Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống

Việt Linh, Đình Hưng, Quang Nam, Phương Thanh-Thứ tư, ngày 07/02/2024 05:48 GMT+7

VTV.vn - Tà áo dài ngày nay xuất hiện trong những dịp quan trọng của đời người, gắn bó mật thiết với đời sống, chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trải qua hàng trăm năm, tà áo dài truyền thống vẫn luôn được người Việt bảo tồn, phát huy giá trị qua nhiều thời kì và trân trọng truyền lại cho thế hệ mai sau. Không chỉ là đơn thuần là một sản phẩm tiêu dùng, tà áo dài đã trở thành một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, biểu trưng cho vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam. Nữ giới trong trang phục áo dài truyền thống giản dị, còn nam giới mặc những bộ áo dài ngũ thân tay chẽn. Đạp xe qua những con phố mang biểu tượng của Hà Nội như Phan Đình Phùng, Lăng Bác… vẻ đẹp tà áo dài đã góp phần tôn vinh các giá trị di sản của thủ đô.

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 1.

Ngày càng có nhiều hơn những sự kiện giao lưu văn hóa trong và ngoài nước giúp lan tỏa vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống Việt Nam. Không chỉ góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa, hình ảnh tà áo dài còn đang được định hình, hướng đến là một sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và tạo sức hút cho du lịch.

Nhắc đến áo dài Việt Nam, người ta thường nghĩ đến hình ảnh thướt tha, mềm mại của người phụ nữ mà lại quên rằng "áo dài, khăn đóng" cũng là trang phục truyền thống của đàn ông đất Việt. Còn gì đẹp hơn nếu những dịp lễ, Tết, hội hè, hay trong những sự kiện chính trị, ngoại giao, văn hóa, ta thấy cả nam giới và phụ nữ cùng mặc áo dài dân tộc. Như một dòng chảy, có lúc quanh co, chiếc áo dài nam từng có lúc chìm vào quên lãng. Nhưng hôm nay, áo dài nam đang trong quá trình phục hưng, với sự quan tâm của cả cộng đồng.

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 2.

Người Hà Nội trơng trang phục truyền thống, gói bánh chưng tại Ngôi nhà di sản - Số 87 phố Mã Mây

Mỗi sáng thứ hai đầu tháng, các cán bộ sở văn hóa thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế lại mặc áo dài ngũ thân truyền thống đi làm. Không chỉ tại công sở, áo dài nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các dịp Tết cổ truyền, lễ hội, và cả hoạt động vui chơi hàng ngày. Chiếc áo dài ngũ thân đã có lịch sử hình thành và phát triển gần 300 năm, từ thời nhà Nguyễn. Áo có 5 thân và 5 nút nên được gọi là áo ngũ thân. Tùy theo độ tuổi và tầng lớp, áo dài sẽ được may bằng các loại vải khác nhau. Ngoại trừ phần phục trang quan trọng, áo dài nam truyền thống còn đi kèm một chiếc khăn quấn đầu thể hiện được phong thái của một người đàn ông nhã nhặn.

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 3.

Giờ đây khi Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, nhiều chuyên gia cho rằng việc khẳng định nét riêng biệt, độc đáo của áo dài ngũ thân nam giới là điều vô cùng cần thiết. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, những giá trị văn hóa của áo dài nam đang dần được đánh thức trở lại và trở thành một phần của đời sống đương đại. Diện áo dài truyền thống trong những sự kiện đặc biệt ngày càng trở thành xu hướng được nam giới ưu chuộng.

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 4.

Áo dài không phải là sự sáng tạo của một người ở một thời điểm mà là sự kế thừa văn hóa Việt qua ngàn năm lịch sử. Dù là áo dài truyền thống hay được sáng tạo, cách tân phù hợp với nhịp sống đương đại với những biến tấu khác nhau, thì mỗi lần "thấy áo dài bay trên đường phố, bỗng thấy tâm hồn quê hương ở đó. Áo dài luôn gửi gắm tâm hồn người Việt, gắn bó sâu đậm trong đời sống văn hóa người Việt Nam khắp các vùng miền, trở nên phổ biến tới mọi tầng lớp nhân dân, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến cả những người vùng cao có trang phục dân tộc riêng cũng thể hiện tình yêu mến đặc biệt với tà áo dài.

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 5.

Trong không gian "Tết Việt - Tết phố", hơn 100 bạn trẻ với trang phục áo dài ngũ thân đã tham gia vào đoàn rước lễ tái hiện lại không khí Tết cổ truyền của người Hà Nội xưa. Tinh tế, hào hoa, thanh lịch… ai cũng mang tâm trạng hào hứng và tự tin quảng bá nét đẹp di sản của dân tộc thông qua các nghi lễ truyền thống. Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt chia sẻ: "Tết là dịp thể hiện những điều tinh hoa nhất của dân tộc. Chúng tôi mong muốn hướng mọi người mặc trang phục làm sao đúng truyền thống. Vẫn có sự cách tân gia giảm cho phù hợp với thời đại ngày nay nhưng thấy rõ truyền thống dân tộc cần phải được thể hiện trong các nghi lễ ".

Lan tỏa nét đẹp áo dài truyền thống - Ảnh 6.

Hiện nay Bộ VHTTDL, Hội LHPN Việt Nam và các địa phương đang nỗ lực tiến hành lập hồ sơ trình Chính phủ và Quốc hội để công nhận áo dài là quốc phục Việt Nam, tiến tới xác nhận áo dài là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Tà áo dài là biểu tượng chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam. Tà áo dài xuất hiện dịu dàng, trang nhã mà vẫn lộng lẫy, kiêu sa; cùng đất và người bước qua những thăng trầm thời cuộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai. Đặc biệt trong dịp Tết cổ truyền, nếu quý vị có điều kiện, hãy diện những tà áo dài Việt Nam đi chơi tết, để luôn thấy mình đẹp, và tự hào về trang phục truyền thống của dân tộc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước