Trong di chúc, Bác Hồ căn dặn: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Theo lời Bác dạy, tại huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, nhờ đoàn kết một lòng mà những làng Chăm vốn nghèo khó, giờ đã no đủ.
Chồng mất sau nhiều năm bạo bệnh. Một mình nuôi 4 con nhỏ. Luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, bà Qua Thị Bành (Thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận) nhiều lúc tưởng như không gắng gượng nổi nên chẳng dám nghĩ có thể xóa được căn nhà dột nát. Vậy mà giờ đây, bà lại có được ngôi nhà kiên cố để ở, nhờ khoản tiền 80 triệu đồng hỗ trợ từ một vị Mạnh Thường Quân".
San sẻ tựa như là lẽ sống của đồng bào Chăm ở vùng quê Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận vốn còn nhiều khó khăn. Ít thì giúp nhau chỗ gạo để không bị đứt bữa, nhiều thì hỗ trợ sinh kế để có thu nhập lâu dài…
Ở huyện Bắc Bình, mỗi cánh đồng một tên gọi. Nhưng tất cả đều có điểm chung, là "cánh đồng đoàn kết".
Bà Bành, giờ an tâm làm ăn từ vốn vay dành cho hộ nghèo và từ sự trợ giúp của những người trong làng.
Bà Đơn Thị Mai Chi nói: "Đồng bào Chăm thôn Bình Đức làm gốm nên họ tạo điều kiện cho những người nghèo đi làm, không có tiền thì ứng trước".
Ở huyện Bắc Bình, mỗi vụ lúa canh tác hơn 12 ngàn ha. Mỗi cánh đồng một tên gọi. Nhưng tất cả đều có điểm chung, là "cánh đồng đoàn kết".
Ở đó, người Chăm, người Raglai, người Hoa, người Nùng... cùng canh tác. Thửa ruộng cho các gia đình gạo ăn và còn dư lúa để bán, trang trải chi tiêu. Quý hạt lúa nên người làng Chăm sẵn sàng giúp nhau để ai cũng có được nhiều lúa.
Trời sắp mưa. Một, hai người không thể kịp thu dọn sân lúa đang phơi. Nhưng nhiều người thì có thể làm kịp. Chuyện nhỏ hay chuyện lớn, người làng Chăm cùng nhau gỡ khó. Đoàn kết với người trong làng như là lẽ thường tình.
Ông Hắc Văn Quang Huy - Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, Bình Thuận - cho biết: "Chúng tôi thực hiện tuyên truyền, định hướng các vị chức sắc trong sinh hoạt tôn giáo cũng như cộng đồng luôn cố gắng duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân, kể cả trong sinh hoạt hàng ngày cũng như hỗ trợ cùng phát triển sản xuất".
Huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận là nơi có đông đồng bào Chăm sinh sống. Ở vùng đất từng được gọi là 3 K: "khô, khó, khổ", giờ đây cuộc sống người làng Chăm đã no đủ, có gạo để ăn ngay trong mùa giáp hạt, có nhà kiên cố tránh mưa bão. Đoàn kết là sức mạnh giúp người làng Chăm thay đổi cuộc sống của chính mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!