Thành phố cần sớm lấy lại diện mạo đầy sức sống, người dân cần sớm lấy lại tinh thần và nhịp sống cần sớm trở lại với mức bình thường tối thiểu. Những khu phố đổ nát được nhanh chóng dọn dẹp, cây xanh được trồng nhiều hơn, xen lẫn những đài tưởng niệm và những khẩu hiệu bày tỏ ý chí kiên quyết.
Việc đầu tiên, là phải mở cửa lại những trường học. Cuộc chiến tranh nhằm thống nhất đất nước còn kéo dài, nhưng sẽ không vì thế mà thế hệ kế tiếp rơi vào sự ngu dốt thất học. Học sinh được đưa trở về từ những khu sơ tán, những lớp học được tăng ca thậm chí là học ở ngoài trời, vì thiếu lớp.
Bên trong trường Đại học Bách khoa tháng 2/1973, những ô kính vỡ chưa kịp thay, một thế hệ kỹ sư tài năng đang miệt mài học tập vì mục tiêu xây dựng đất nước. Đó là hình ảnh chung của nhiều trường học tại Hà Nội, tại miền Bắc đầu năm 1973.
Việc nối lại các tuyến giao thông được ví như việc nối các mạch máu về trái tim Hà Nội. Cầu Long Biên bị bom đánh sập lập tức có cầu phao nối liền. Đó là lần cuối cùng người Hà Nội và người đến Hà Nội phải dắt xe vượt sông Hồng bằng cầu phao. Một hình ảnh đáng nhớ.
Có một nhà văn đã nhận xét, trong những năm tháng chiến tranh, khoảng cách giữa phố thị Hà Nội và nông thôn đã xòa nhòa. Người ta ăn vận một cách giống nhau, mua sắm những loại hàng hòa bình dân như nhau, và chan hòa với nhau trong một điều kiện sống tối thiểu. Điều đó đặc biệt đúng với giai đoạn 1973, khi hiệp định Paris mới ký kết và công cuộc tái thiết mới chỉ bắt đầu. Nhưng trên cả những đổ nát và khói bom, có một niềm lạc quan đang bừng lên mạnh mẽ.
Đã nhiều lần chứng kiến sự tráo trở của chiến tranh, đầu năm 1973, người Hà Nội chưa hẳn đã dám tin giấc mơ hòa bình thành sự thật. Nhưng dẫu vậy, lần đầu tiên sau nhiều năm đối đầu với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, những hầm tránh bom đã được lấp đi trên các đường phố Hà Nội.
Qua tập phim Ký ức Việt Nam sau đây, chúng tôi muốn cùng các bạn xem lại những hình ảnh về hà Nội những ngày ấy: