Nỗi ám ảnh với trẻ em miền Bắc thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ là những trận ném bom rải thảm. Trong hoàn cảnh chiến tranh, những người lớn chỉ có thể cố gắng giữ an toàn cho trẻ em, chứ không thể đảm bảo cho chúng một nếp sinh hoạt bình yên.
Chiếc xe của các thiếu niên Bungari gửi tặng thiếu nhi Hà Nội, trên thành xe có sơn rõ dòng chữ: “Thiếu niên Đi-mi-trốp”. Năm 1973, món quà đến thật đúng lúc và quý giá, nó trở thành phương tiện tổ chức các cuộc sinh hoạt ngoại khóa ra ngoại thành Hà Nội.
Một buổi sáng yên bình đầu thu 1973, tại chùa Trăm Gian, cách trung tâm Hà Nội khoảng 30 cây số, bầu trời không còn ầm ì tiếng máy bay Mỹ, tiếng nổ giòn của pháo cao xạ, mặt đất không còn chi chít hố bom và hầm trú ẩn. Bọn trẻ đang tận hưởng hương vị ngọt ngào đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Mỹ - “Hòa bình”.
Năm 1973, Hà Nội có khoảng hơn 20 vạn trẻ em, phần nhiều trong số đó vừa trở về từ những khu sơ tán. Sau bao năm bom đạn, các em phải làm quen với nhiều thứ, kể cả đó là thứ tuyệt vời nhất như hòa bình.
Cũng trong năm đó, 3 vạn trẻ em được đưa từ miền Bắc trở về Vĩnh Linh - Quảng Trị. Đây là số trẻ em được sơ tán ra Bắc năm 1966 - 1967 trong kế hoạch K8 để đảm bảo an toàn sinh mạng.
Trong tập phim Ký ức Việt Nam sau đây, các bạn sẽ được nhìn lại những hình ảnh tư liệu quý giá ấy: