Hà Nội: Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết

Nguyễn Xuyến-Thứ bảy, ngày 20/01/2024 07:16 GMT+7

VTV.vn - Cận Tết Giáp Thìn năm 2024, làng nghề Tranh Khúc (xã Duyên Hà, TP.Hà Nội) lại hối hả vừa chuẩn bị nguyên liệu, vừa gói bánh chưng cho kịp vụ bánh lớn nhất năm.

Đi từ cổng làng những ngày này, đâu đâu cũng thấy mùi hương từ gạo nếp, lá dong quyện với mùi thơm của đậu xanh, tất cả tạo nên một vị Tết rất đặc trưng. Cứ cách 2-3 nhà, lại có một lò bánh, ai nấy đều hối hả, tất bật để cho ra lò những mẻ bánh chất lượng nhất, nức tiếng làng Tranh Khúc.

Theo người dân Tranh Khúc kể lại, nghề gói bánh chưng của làng đã có từ lâu đời, nhưng phải mãi đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, người dân nơi đây mới tập trung xây dựng và phát triển thành làng nghề. Nếu như trước kia hộ gia đình làm nghề khoảng 40-50% thì đến nay tăng lên đáng kể, khoảng 70-80% hộ gia đình làm nghề trên tổng số dân tại làng.

Hà Nội: Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết - Ảnh 1.

Người dân làng Tranh Khúc tất bật gói những mẻ bánh chưng ngon phục vụ nhu cầu của thực khách trên cả nước.

Cũng giống như các gia đình khác trong làng, những ngày này, gia đình bà Nguyễn Thị Dạp đã đỏ lửa và gói trên dưới 1.000 chiếc.

"Càng dịp cận Tết, khối lượng bánh gói càng lớn. Mất tối đa 30 giây để gói xong một chiếc bánh và một tiếng có thể gói được 210 cái. Để gói được nhanh như vậy, chúng tôi cần sự chuẩn bị đầy đủ các nguyên liệu và người gói phải có kinh nghiệm lâu năm", bà Dạp nói.

Hà Nội: Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết - Ảnh 2.

Những nguyên liệu làm bánh được chuẩn bị tỉ mỉ.

Cũng theo bà Dạp, lá dong để gói bánh chưng Tranh Khúc phải là loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Lá thường được chuyển về từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội). Nếu lá chưa đẹp, chưa đủ thì phải đặt mua tận Nghệ An, Hà Tĩnh từ trước vài tháng.

Gạo gói phải là loại ngon nhất, gạo nếp cái hoa vàng nếu không cũng phải là loại gạo nhung mua từ Hải Hậu, Nam Định. Thịt được lựa chọn là loại thịt sấn, nửa nạc nửa mỡ, ướp gia vị kĩ càng vừa đủ.

Không chỉ tự hào về làng nghề truyền thống làm bánh chưng lâu đời, đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho nhiều người lao động mà bánh chưng Tranh Khúc còn đang lưu giữ những giá trị truyền thống.

Tiếp nối nghề mà cha ông truyền lại, anh Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: "Từ bé tôi đã được ông bà, cha mẹ chỉ cách làm và có thể tự gói được bánh từ hồi học cấp 1. Nếu tính tuổi nghề chắc cũng phải hơn 30 năm rồi".

Hà Nội: Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết - Ảnh 3.

Ngoài nguyên liệu, trình độ chuyên môn của người thợ cũng là yếu tố tạo nên thương hiệu của làng nghề.

Những ngày thường, gia đình anh Sơn có khoảng 3 - 4 người làm, hầu hết đều là người trong nhà. Bắt đầu qua Rằm, khi đơn đặt hàng nhiều hơn thì gia đình anh mới thuê thêm nhân công.

"Trung bình mỗi ngày phải khoảng 10 người làm tất bật từ sáng sớm đến đêm mới kịp giao cho khách đặt. Mỗi một công đoạn chia ra khoảng 2-3 người làm và phải làm không ngơi tay thì mới kịp cho người ở công đoạn sau làm tiếp", anh Sơn nói.

Cũng theo anh Sơn, thay vì dùng những nồi tròn nấu bằng củi như tầm cách đây 10 năm, giờ người dân làng nghề bánh chưng Tranh Khúc đã đầu tư nồi inox cỡ lớn nấu bằng điện. Đặc điểm của loại nồi hơi này là kích thước lớn có thể chứa được tới 800 bánh/ nồi to, nồi nhỡ khoảng 600 bánh, còn nồi nhỏ nấu được khoảng 400 bánh. Bánh được nấu bằng nồi hơi sẽ chín đều, các mặt, nhừ mà vẫn giữ được độ thơm ngon, béo ngậy của bánh.

Hà Nội: Làng bánh chưng Tranh Khúc hối hả vào vụ Tết - Ảnh 4.

Những chiếc bánh chưng sau khi được gói chờ mang đi đun khoảng 8-9 tiếng.

Ông Nguyễn Văn Mão, Phó Chủ tịch xã Duyên Hà chia sẻ: "Bánh chưng của làng nghề được bán cho cả thị trường trong và ngoài. Tuy nhiên, xuất khẩu ra nước ngoài đến thời điểm hiện tại có vẻ lắng xuống, một số bà con Việt kiều ở nước ngoài thích chuyển nguyên vật liệu sang tự gói để thể hiện nét truyền thống. Hiện nay xã Duyên Hà đã được công nhận là xã du lịch và chúng tôi hướng tới du lịch trải nghiệm, giới thiệu mô hình sản xuất bánh chưng, bánh dày truyền thống của làng nghề tới các trường học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận".

Khắp các con ngõ thơm mùi bánh, Tết có lẽ đến sớm hơn với người dân ở đây. Ai cũng hân hoan trong niềm vui công việc và gửi vào những chiếc bánh ước mơ về một cái Tết ấm no, hạnh phúc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước