"Giải mã cuộc sống": Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam

PV-Chủ nhật, ngày 02/01/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Ở Việt Nam, mối liên hệ giữa cây và người, cây và thần thánh được gắn kết chặt chẽ trong đời sống văn hóa tâm linh. Mỗi tộc người lại thờ cây với những mục đích khác nhau.

Thờ cây là tín ngưỡng có tính tối cổ, phổ biến trên thế giới cho đến ngày nay. Tín ngưỡng này là biểu hiện của sự gắn bó mật thiết giữa con người với sinh thái tự nhiên. Ở mỗi quốc gia, vùng miền, việc thờ cây lại có những nội dung khác nhau, ví dụ như người Ai Cập thờ cây cọ, người La Mã và Hi Lạp thờ cây linh sam... Với đất nước thảo mộc như Việt Nam, mối liên hệ giữa cây và người, cây và thần thánh, cây và sự thiêng liêng được gắn kết chặt chẽ trong đời sống văn hóa tâm linh. Có thể kể đến như người Dao thờ cây đa, cây sấu; người Mường coi cây si như một loài cây cội nguồn, người Kinh thờ cây đa, cây gạo... Mỗi tộc người lại thờ những cây khác nhau với một mục đích khác nhau.

Lễ cúng rừng Gà Ma Do của người Hà Nhì

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 1.

Người Hà Nhì gọi khu rừng thiêng của họ là rừng cúng Gà Ma Do. Khu rừng này có thể nằm ở gần các bản làng nhưng các gia đình không được làm nhà vượt qua rừng cúng. Khi lập thôn bản, các già làng và thầy cúng phải chọn khu rừng cúng Gà Ma Do đầu tiên. 

Để thực hiện lễ cúng rừng, những người đàn ông đại diện cho các gia đình phải chuẩn bị lễ vật từ sáng sớm. Họ xếp hàng ngay ngắn để đi vào rừng, người đàn ông đi đầu được phân công cầm ống nước thiêng. Khi vào rừng, họ phải đi chân trần để thể hiện sự tôn trọng không gian của thần linh.

"Lễ cúng rừng là quan trọng nhất trong năm, cúng rừng là cúng thần bản mệnh của thôn. Rừng chính là bó nước lớn giữ nước cho canh tác, trồng trọt và sử dụng ăn uống hàng ngày. Vào ngày cúng rừng, người ta mang theo gà, lợn để làm lễ vật dâng cúng thần rừng", ông Ly Giờ Lúy, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai cho biết.

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 2.

Cây thần là cây lớn và già nhất trong khu rừng thiêng. Mỗi khu rừng cúng đều có một cây thần. Đây là loại cây cao to, cành lá sum suê, người Hà Nhì gọi là "Si san". Cây này phải có màu xanh suốt bốn mùa, biểu hiện cho sự trường sinh bất tử. Cây cũng phải có quả bởi cây có quả như người có con và cũng là mong muốn của sự được mùa.

Dưới gốc cây thần, người Hà Nhì đặt một miếu thờ nhỏ bằng những hòn đá. Trong sử thi của người Hà Nhì có ghi rằng: Trước kia mỗi người Hà Nhì có một hòn đá, trên đó người ta làm thịt các con vật để tế lễ. Gia đình có một hòn đá như vậy thì trong một bản, một khu rừng cũng phải có một hòn đá. Do đó, người Hà Nhì tạo ra miếu đá này để thờ thần rừng.

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 3.

Miếu thờ được dựng bằng đá dưới gốc cây thần.

Trong lúc người khác chuẩn bị lễ vật, 2 thầy cúng sẽ dọn sạch miếu đá. Nước dùng để làm lễ phải là nước lấy từ đầu nguồn sau lễ cúng nguồn nước hôm trước và được đựng trong ống tre. Sau khi dâng lễ vật, 2 thầy cúng sẽ bắt đầu khấn. 

Tục thờ rừng của người Hà Nhì là những nghiệm sinh của chính tộc người này. Trong quá trình tồn tại, họ sớm nhận ra giá trị của rừng đối với cuộc sống của chính họ, đó là sự đúc kết kinh nghiệm của họ hàng trăm năm qua. Chính những quan niệm về rừng như vậy đã giúp người Hà Nhì có tri thức đặc biệt về rừng. Qua thái độ kính trọng, sợ hãi hoặc luôn chăm sóc rừng, cây rừng như đối với người thân, đối với bề trên. Mặt khác, không chỉ có quan hệ chăm sóc, thương yêu rừng, người Hà Nhì còn tạo ra cơ chế riêng bảo vệ rừng.

Cúng rừng là tập tục tổ tiên người Hà Nhì để lại cho con cháu. Trong những ngôi nhà, ngày này qua ngày khác, đời này qua đời khác, việc răn dạy cho trẻ nhỏ đã trở thành một cách thức giúp người Hà Nhì duy trì được phong tục tập quán cũng như bảo vệ được những khu rừng của mình trước biến động của xã hội Theo luật tục của người Hà Nhì, không ai được vào khu rừng thiêng lấy một cái gì, kể cả cây hay củi khô. Ai xâm phạm sẽ bị làng phạt rất nặng. Những đứa trẻ trong độ tuổi ham chơi cũng tuyệt nhiên không bao giờ vào khu rừng thiêng phá phách.

Tục thờ cây gạo và câu chuyện về công chúa Quỳnh Trân

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 4.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, đến với di tích nào chúng ta cũng bắt gặp những loài cây thiêng được trồng xung quanh như cây đa, cây si, cây bồ đề... Cây thiêng là nơi thần hoặc ma thường đến như người ta vẫn hay nói "Thần cây đa, ma cây gạo".

Không biết tự bao giờ cây gạo đã trở thành linh hồn của mỗi làng quê. Khi đất trời trở mình trong hơi thở ấm áp của mùa xuân thì hoa gạo trổ bông như thắp lửa, đỏ rực một vùng trời. Có một điều đặc biệt là những bông hoa gạo lại xuất hiện trước cả khi ra lá và hoa lại nở ra từ trái. Phải chăng bởi vòng đời ngược nên cây gạo luôn mang trong mình màu sắc tâm linh, huyến bí nhưng dân gian vẫn truyền tục nhau?

Đến với đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng), người ta thấy cây gạo được trồng trong khuôn viên đền. Theo các bậc cao niên trong vùng, cây gạo này chính tay công chúa Quỳnh Trân trồng vào mùa xuân năm 1284 với ước nguyên người dân no đủ, thóc gạo dồi dào.

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 5.

Đền Mõ (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng)

Sử cũ ghi lại rằng : Năm Quý Mùi (1283), công chúa Quỳnh Trân xin vua Trần Nhân Tông cho xuất gia quy y nơi cửa Phật. Công chúa đã chọn đất làng Nghi Dương thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kinh Môn làm nơi lập am. Để điều hành công việc hàng ngày, công chúa nghĩ ra cách dùng tiếng mõ: nếu trong ngày nghe tiếng mõ ở chùa thì về ăn uống, tiếng mõ ở quán thì có công việc. Bắt nguồn từ đó, những địa danh như chợ Mõ, làng Mõ, chùa Mõ, đền Mõ đã ra đời.

Cùng với việc lập am tu hành, công chúa Quỳnh Trân còn cho lập điền trang, thái ấp, tập hợp muôn dân trong vùng đến đây làm ăn, sinh sống. Có năm vùng này bị thiên tai mất mùa, công chúa xin vua miễn thuế cho cư dân trong vùng để họ có thể ổn định sản xuất. 

Giải mã cuộc sống: Câu chuyện phía sau tín ngưỡng thờ cây của người Việt Nam - Ảnh 6.

Hơn 7 thế kỉ trôi qua, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, trước bao biến đổi mạnh mẽ của thiên nhiên, bom đạn, song, cây gạo do công chùa thời Trần đã gieo trồng vẫn có một vị trí không thể thay thế trong đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây. 

Thời xưa, con người sợ và tin vào nhiều thứ khiến nảy sinh tín ngưỡng "Vạn vật hữu linh đa thần giáo". Khi đốn cây để làm nhà, người ta tin rằng có thần linh ngự trong cây cỏ. Sợ thần linh trách phạt, người ta chỉ dám đốn vừa đủ để dùng. Điều đó vô hình chung đã giữ được sự cân bằng sinh thái cho tự nhiên. Ngoài ra, nói một cách sâu xa, điều này cũng giữ sự cân bằng tâm lý cho con người. 

Mời các bạn đón xem chương trình "Giải mã cuộc sống" được phát sóng vào 21h thứ 7 hàng tuần trên kênh VTV2!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước