Với pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ, việc pho tượng được an vị tại bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam có thể coi là sự may mắn thần kì. Trải qua biết bao biến thiên, binh đao giặc giã, cho đến những năm 60 của thế kỷ trước, nếu không nhờ duyên trời định, có lẽ pho tượng đã vĩnh viễn không còn nữa.
Pho tượng cổ và sự "tìm thấy" tình cờ
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước, những sinh viên ưu tú nhất tốt nghiệp từ khoa Sử Đại học Tổng Hợp và trường Sư Phạm được tuyển về Viện Mỹ Thuật - Mỹ Nghệ (tiền thân của bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam) làm cán bộ nghiên cứu, sưu tầm hiện vật. Lúc này, ông Nguyễn Đỗ Cung là Viện trưởng đầu tiên cùng là người đặt nền móng cho sự phát triển của bảo tàng.
Mùa hè năm 1965, dưới cái nắng nóng của miền Bắc cùng con đường đất gồ ghề cắt qua những đổng lúa của tỉnh Vĩnh Phúc, vừa mệt vừa khát, các cán bộ trẻ của bảo tàng, trong đó có ông Nguyễn Đỗ Bảo khi đó mới là chàng thanh niên 25 tuổi, đã vào xin nước ở sân kho của hợp tác xã. Qua thăm hỏi và trình bày về nhiệm vụ của mình, những người nông dân nơi đây đã chỉ tay về ngôi chùa đổ nát bên cạnh. Ngôi chùa Hội Hạ lúc này đã bị bỏ hoang, không có sư trụ trì và cũng là nơi lưu giữ pho tượng cổ Phật Bà Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn. Việc tìm thấy pho tượng và đưa được về bảo tàng như một sự sắp đặt của số phận bởi lẽ nếu chỉ chậm hơn một thời gian nữa, có lẽ pho tượng đã bị hóa đi do hoàn cảnh lịch sử xã hội thời kì đó.
Pho tượng sau khi rời khỏi chùa Hội Hạ được vận chuyển, phục chế hoàn thành trong năm 1965 để chuẩn bị cho dịp mở cửa bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 24/6/1966. Hầu hết những ai có cơ hội chiêm bái đều vô cùng trầm trồ trước vẻ đẹp, sự kì vĩ của pho tượng. Nhiều nhà khoa học cũng xem đây là hiện vật ẩn chứa rất nhiều thông tin, giá trị lịch sử nên việc nghiên cứu rất được coi trọng.
Tranh cãi xung quanh niên đại của pho tượng chùa Hội Hạ
Nói về niên đại của bức tượng, cuộc họp đánh giá của các nhà nghiên cứu đã chỉ ra bức tượng được tạo nên vào thời nhà Mạc (1527-1592) trong lịch sử Việt Nam (tức cách ngày nay gần 500 nâm). Dựa vào các hoa văn mây, cánh sen và độ lớn của tượng, nhiều nhà nghiên cứu chứng minh tác phẩm này ra đời trong thời kì phục hưng Phật Giáo thể kỉ thứ XVI. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, giáo sư Trần Lâm Biển - Ủy viên hội đồng Di sản Quốc gia - lại cho rằng bên cạnh nhiều hoa văn mang phong cách Mạc, vẫn có nhiều điểm khác biệt. Trong đó, đáng chú ý nhất là những họa tiết về rồng mà ông cho rằng họa tiết này chưa từng xuất hiện trong các pho tượng thời nhà Mạc trở về trước. Theo ông, niên đại sớm nhất những họa tiết rồng này xuất hiện là vào thế kỷ XVII.
Trở lại ngôi chùa Hội Hạ, ở sân chùa hiện vẫn còn một bia đá cổ đã mờ theo năm tháng, song, theo các cụ trong làng ghi chép và truyền lại, bia đá này được tạo từ thời Lê trung hưng, niên hiệu Đức Long (1629). Một kiến giải có lý của những vị cao niên ở địa phương chính là việc để làm được một pho tượng to lớn, tinh xảo, kỳ công không bắt gặp ở các vùng xung quanh chắc chắn cần phải có công, có của. Ở địa phương thời bấy giờ, một nhân vật lẫy lừng được tôn phong là Thành Hoàng Làng - ông Phùng Văn Minh - nhiều khả năng là người đã kiến tạo pho tượng này.
Theo sách Đại Việt Sử ký toàn thư, cụ Phùng Văn Minh, tên húy là Chính Liêm, tên tự Phúc Nhân, gốc ở làng Hạ, xã Hợp Thịnh, Tam Dương sống vào thời Lê trung hưng khoảng thế kỷ XVI, XVII làm quan đến chức đồ thái giám ở Nội giám phủ dưới triều vua Lê Thần Tông (1619 - 1643). Năm 1629, cụ được phong là Thượng Đẳng Phúc Thần. Như vậy, nếu chính xác ông Phùng Văn Minh là người đã kiến tạo nên Pho tượng Quan Âm chùa Hội Hạ thì niên đại pho tượng nhiều khả năng vào khoảng những năm 1620 - 1640, tức đầu thế kỷ XVII. Lúc này, giả thuyết cho rằng pho tượng vẫn theo phong cách Mạc nhưng được làm ở đầu thời Lê trung hưng dường như thuyết phục hơn cả.
Pho tượng Phật Bà Quan Âm chùa Hội Hạ trở thành Bảo vật Quốc gia
Trải qua hàng trăm năm tuổi, pho tượng có vẻ như đã có một số phận riêng, được người đời tìm cách lưu giữ qua nhiều thế hệ. Sau lần tháo dỡ năm 1965, pho tượng bị tách rời thêm 2 lần dưới sự kiểm soát của bảo tàng để đi sơ tán ở Tuyên Quang và Đà Lạt, tránh nguy cơ bị phá hủy trong những năm chiến tranh. Bên cạnh những người làm công tác nghiên cứu, bảo quản, không thể không nhắc đến công lao của những thế hệ thợ phục chế ngành mộc của bảo tàng trong việc giữ gìn trạng thái tốt nhất cho pho tượng cổ.
Trải qua nhiều thời kì, các thế hệ giám đốc bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đều thừa nhận việc gìn giữ bức tượng là quyết định đúng đắn của nhóm nghiên cứu thời kì đầu. Nhờ những giá trị lịch sử và nghệ thuật, tượng Quan Âm chùa Hội Hạ được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận là bảo vật Quốc gia ngày 30/12/2013.
Dân gian có câu "Để là hòn đất/ Cất nên ông Bụt", với một pho tượng sẽ chỉ thuần túy là gỗ, là đất hay bất kì một nguyên liệu nào tạo nên nó nhưng khi pho tượng đó trải qua biến thiên của lịch sử, đồng hành cùng vận mệnh của đất nước, dân tộc, là bệ đỡ cho đời sống tín ngưỡng của nhân dân, lan tỏa những giá trị nhân văn đến khắp mọi chúng sinh, chỉ khi đó, pho tượng mới thật xứng với danh xưng Bảo vật Quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!