Bản của người A Rem hiện nằm dưới chân dãy núi đá vôi thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sau khi sinh sống thành bản từ năm 1958, người A Rem vẫn duy trì một số thói quen cư trú của tổ tiên họ, những người vốn sống ở trong rừng già.
Để tránh cái nắng nóng khủng khiếp ở nơi đây, họ đã từng đào những những chiếc hố trên nền đất và lợp lá rừng để ở. Hiện nay, dù đã được hỗ trợ xây nhà, mỗi khi thời tiết khô hạn một số gia đình vẫn cùng nhau đi ở hang giống cha ông ngày trước.
Theo giáo sư Trần Trí Dõi, một nhà nghiên cứu đã có thời gian dài sống cùng người A Rem, đây cũng là tộc người còn lưu giữ lại nhiều phong tục độc đáo như tục lấy ong, tục chia phần, đi săn...
Đi lấy mật ong là một trong những phong tục còn được duy trì đến ngày nay của người A Rem. Mật ong là sản phẩm để người A Rem trao đổi với xã hội bên ngoài, mang lại cho họ thêm thu nhập để chi tiêu hàng ngày. Chính vì thế, những người A Rem được coi là những người thợ săn ong giỏi nhất chỉ với những nấc thang làm từ dây mây rừng. Người A Rem khi lấy ong không bao giờ cắt hết tổ ong, chừa lại một phần nhộng và mật để ong phát triển, mùa sau cho mật.
Cuộc sống gắn bó với núi rừng đã tạo cho họ các kỹ năng độc đáo để sinh tồn và khai thác thiên nhiên. Chính vì thế, người A Rem luôn linh hoạt trong cách tiếp cận với tự nhiên, tôn trọng núi rừng như chính bản thân cuộc sống của họ.
Một điều đáng mừng là những năm gần đây từ cuộc sống tự cung, tự cấp, có lúc còn phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, đến nay người Arem đã có cuộc sống ổn định hơn và tập trung tại các bản. Vì thế, những nét văn hóa, phong tục độc đáo của người Arem sẽ được bảo tồn và phát triển.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!