Đào Tết nở hoa sớm quá hay muộn quá đều gây thất thu cho nhà vườn. Từ tháng 7 Âm lịch, người trồng đào đã tiến hành khoanh vỏ (thường gọi là thiến đào), hoặc đảo gốc cây để hãm cây phát triển, giúp cây dồn chất dinh dưỡng cho nụ hoa. Nhưng bây giờ, vào tháng 11 Âm lịch, nhất thiết người trồng phải bắt đầu vặt lá đào.
Các chuyên gia lưu ý, bà con nên chọn thời điểm vặt lá từng loại đào. Đào Phai vặt lá từ ngày 1 - 10/11 Âm lịch; đào Bích vặt lá từ 15 - 20/11 Âm lịch; đào Thất Thốn phải vặt lá từ đầu tháng 10 Âm lịch. Bà con có thể vặt bằng tay, vặt từ từ từng lá, từng cành một, không được làm xước cành, xước mầm nụ.
Hoặc bà con phun lên cây một số loại thuốc ức chế sinh trưởng, như CCC, Ethreel. Cách này tốn ít công sức, lá rụng đồng loạt nhưng nhược điểm là gây hại cho cây, chất lượng hoa sau này sẽ kém.
Sau khi vặt lá, bà con cần buộc tán cây lại cho gọn, gọi là "go cây". Khoảng 20 ngày nữa, đầu tháng 12 âm lịch (cách Tết Nguyên đán Mậu Tuất gần 1 tháng), bà con cần theo dõi thời tiết để chủ động hãm hay thúc hoa nở.
Cụ thể, nếu trời rét đậm kéo dài, mầm hoa không phát triển, bà con phải thúc hoa bằng cách tưới đẫm nước ấm 40-50 độ C, 2 - 3 lần/ngày. Ban đêm, quây nilon, thắp điện sưởi ấm đào. Phun phân bón lá Đầu Trâu 901, 902 hoặc một số chất kích thích nở hoa khác.
Còn nếu thời tiết nồm ấm kéo dài, nụ phát triển nhanh phải hãm bằng cách: Làm giàn che lưới cho cây, phun phân ure nồng độ 1% lên thân, lá, gốc cây. Hoặc dùng dao khoanh 1 hay nhiều vòng quanh cành đào, thân đào (lần 2); chặt bớt 10-12% bộ rễ. Phun một số chế phẩm kìm hãm nở hoa: CCC, Mydrin, B9, tưới nước lạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!