Một số chuyên gia cho rằng việc thay đổi thời gian vào học làm giảm tình trạng mệt mỏi của học sinh trong các tiết học buổi sáng
Thức dậy vào mỗi buổi sáng được liệt kê vào danh sách những việc đáng ghét nhất mà chúng ta phải làm mỗi ngày, đặc biệt là đối với trẻ em. Thế nhưng, một số trẻ em ở bang Seattle (Mỹ) hiện nay đã được hưởng đặc quyền ngủ nướng nhờ vào việc áp dụng thử nghiệm quy định mới về thời gian vào học. Thử nghiệm này đã và đang cho thấy hàng loạt kết quả tích cực.
Theo kết quả nghiên cứu vừa được công bố, những học sinh được ngủ nhiều hơn vào buổi sáng đi học đều đặn hơn và đạt điểm số cao hơn.
Các tác giả của nghiên cứu cho rằng việc thay đổi thời gian vào học làm giảm tình trạng mệt mỏi của học sinh trong các tiết học buổi sáng và nhìn chung, cải thiện sức khỏe của các em.
Gideon Dunster từ Đại học Washington, thành viên của nhóm nghiên cứu chia sẻ: "Tất cả các nghiên cứu về thói quen ngủ của thanh thiếu niên ở Mỹ đều cho thấy thời gian ngủ thường được quyết định bằng cơ chế sinh học tự nhiên trong khi thời gian thức dậy lại do xã hội quyết định".
"Điều này gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tâm lý bởi nhịp sinh học bị gián đoạn có thể ảnh hưởng xấu đến hoạt động tiêu hóa, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể, hệ miễn dịch, khả năng tập trung và sức khỏe tinh thần của các em" - Gideon Dunster cho biết thêm.
Kể từ năm 2015, khi áp dụng thay đổi thời gian học, sự tiến bộ của học sinh đã được theo dõi và ghi nhận lại bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả việc sử dụng dây đeo theo dõi giấc ngủ - phương pháp đáng tin cậy hơn nhiều so với những con số tự ghi chép và báo cáo.
Có tất cả 18 trường trung học tại Seattle được thí điểm chuyển thời gian vào học từ 7h50 sáng sang 8h45, lùi gần 1 tiếng nhưng vẫn giữ nguyên thời lượng các tiết học như cũ. Khảo sát 180 học sinh từ 2 trong số 18 trường thí điểm trên, trung bình mỗi em có thêm 34 phút ngủ mỗi đêm, tăng độ dài giấc ngủ trung bình từ 6 tiếng 50 phút lên 7 tiếng 24 phút.
Nghiên cứu cho thấy, nhìn chung, các em không đi ngủ muộn hơn nhưng ngủ lâu hơn. Các nhà nghiên cứu cho biết điều này phù hợp với những gì chúng ta biết về đồng hồ sinh học của thanh thiếu niên. Nhà sinh vật học Horacio de la Iglesia từ Đại học Washington, một thành viên khác của nhóm nghiên cứu, cho biết: "Việc yêu cầu một thiếu niên thức giấc và tỉnh táo vào lúc 7h30 sáng giống như yêu cầu một người trưởng thành phải làm việc và tỉnh táo vào lúc 5h30 sáng vậy".
Để có một tình trạng khỏe mạnh và tỉnh táo, các chuyên gia khuyến nghị trẻ em cần ngủ khoảng 8 giờ mỗi đêm. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cho thấy chỉ khoảng 1/4 thanh thiếu niên trong độ tuổi trung học đạt được số giờ này. Và chúng ta đã thấy các biện pháp tương tự có tác động tích cực ở nơi khác.
Một nghiên cứu được công bố đầu năm nay cho thấy khi lùi thời gian vào học ở một trường học tại Singapore, học sinh được ngủ nhiều hơn và cảm thấy tỉnh táo hơn. Các giáo viên ở Seattle cũng ghi nhận những kết quả tích cực thấy rõ.
"Sự khác biệt về độ tập trung và mức năng lượng của học sinh trong lớp tôi vào buổi sáng so với trước đó giống như sự khác biệt giữa đêm và ngày vậy" - giáo viên Tracy Landboe từ trường trung học Roosevelt ở Seattle chia sẻ với tờ US News.
Vẫn còn nhiều yếu tố cần xem xét trước khi quyết định công bố rộng rãi quy định lùi giờ học này, ví dụ như liệu có hậu quả nào nếu học sinh có ít thời gian hơn vào buổi tối để làm bài tập về nhà hay tham gia các hoạt động xã hội khác. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng đáng để chúng ta cân nhắc về vấn đề có nên lùi giờ bắt đầu tiết học buổi sáng cho các em học sinh hay không.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!