Nam Bộ, vùng đất trù phú của miền Tây sông nước, không chỉ nổi tiếng với những miệt vườn trái cây trĩu quả, những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay mà còn được biết đến với nền ẩm thực đặc sắc. Trong đó, bánh dân gian Nam Bộ là một phần không thể thiếu, góp phần làm nên bức tranh ẩm thực phong phú và đa dạng của vùng đất này.
Bánh dân gian Nam Bộ – Tinh hoa ẩm thực miền sông nước
Bánh dân gian Nam Bộ đã hiện diện từ thuở khai hoang, mở đất. Người dân Nam Bộ đã tận dụng môi trường tự nhiên và các nguồn nguyên liệu từ gạo, nếp, khoai, củ để chế biến thành những món bánh vừa thơm ngon, vừa bổ dưỡng. Đối với người Nam Bộ, bánh không chỉ dùng để ăn mà còn để giao lưu văn hóa. Hiện nay, Nam Bộ có trên 100 loại bánh dân gian với nhiều hình thức chế biến khác nhau như: Bánh ngọt, mặn, có nhân hoặc không nhân; bánh gói, bánh trần với hình dáng đa dạng từ tròn, dẹp, vuông, tháp đến hình trụ,...
Người dân gói bánh tét Nam Bộ
Vùng đất Nam bộ có nhiều dân tộc cùng sinh sống (Việt, Hoa, Khmer, Chăm,...), mỗi dân tộc cũng có vài chục loại bánh dân gian đặc trưng riêng. Tiêu biểu, người Hoa có bánh bao, bánh hẹ, bánh củ cải; người Khmer có bánh dứa, bánh lá thốt nốt; người Chăm có bánh bông lan, bánh nếp ống tre, bánh nghệ; người Việt có bánh chuối, bánh ú, bánh bò... Các loại bánh dân dã này trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người dân Nam bộ.
Làng nghề bánh tráng Thuận Hưng.
Khay bánh dan gian có tuổi đời hơn 100 năm.
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng, bánh dân gian Nam Bộ không chỉ là món ăn mà còn chứa đựng ba nét văn hóa đặc trưng:
Văn hóa làm bánh: Người dân khéo léo kết hợp và chế biến các nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng các nghề truyền thống để tạo ra những chiếc bánh mang đậm hương vị quê hương.
Văn hóa ăn bánh: Cách ăn bánh ở đây có những điểm tương đồng với các vùng miền khác trong cả nước nhưng cũng có những nét khác biệt riêng. Ví dụ, bánh ở đây thường được ăn kèm với rau và các loại nước chấm riêng biệt không nơi nào có, chẳng hạn như bánh lọt ăn với nước đường và nước cốt dừa hay bánh đúc ăn với nước đường thắng kẹo lại.
Văn hóa bán bánh: Bánh làm ra ban đầu được sử dụng trong gia đình để giải quyết nhu cầu tại chỗ. Khi chợ, phố phát triển, hoạt động mua bán mở rộng, những chiếc bánh quê dần bước ra thị trường, đến với các chợ phố bằng những chiếc ghe hàng.
Hương vị truyền thống chinh phục thị trường quốc tế
Bánh dân gian Nam Bộ không chỉ là món ăn quen thuộc của người dân địa phương mà còn đang dần chinh phục thị trường quốc tế. Nhiều loại bánh như bánh pía, bánh khéo, bánh phồng... đã trở thành những đặc sản được du khách trong và ngoài nước yêu thích.
Giải pháp nào cho hành trình hội nhập?
Tuy nhiên, để vươn ra thị trường quốc tế, bánh dân gian Nam Bộ phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Nguồn sản xuất chủ yếu từ các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình nên việc áp dụng các biện pháp bảo quản hiện đại để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ được hương vị đặc trưng là một bài toán nan giải. Bên cạnh đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cũng chưa được các doanh nghiệp và hộ sản xuất quan tâm đúng mức.
Theo Thạc sĩ Phan Thị Khánh Đoan, giảng viên Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Tiền Giang, để bánh dân gian Nam Bộ có thể cạnh tranh sòng phẳng trên thị trường quốc tế, cần có sự chung tay của cả cộng đồng và các cơ quan chức năng. Cần nghiên cứu để bảo tồn nguyên liệu, hương vị truyền thống, đồng thời xây dựng thương hiệu và nhãn hiệu cho các loại bánh đặc sản. Bên cạnh đó, việc tăng cường giao lưu văn hóa, ẩm thực giữa các địa phương cũng là một giải pháp quan trọng để quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh bánh dân gian Nam Bộ đến với bạn bè quốc tế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!