Trong bảng xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố mới đây, môi trường thương mại của Việt Nam được đánh giá tăng 14 bậc lên vị trí thứ 73/136 nền kinh tế được đánh giá. Còn theo Báo cáo Chỉ số thuận lợi kinh doanh của Ngân hàng thế giới công bố vào cuối tháng 10/2016, môi trường kinh doanh của Việt Nam được ghi nhận là có sự cải thiện mạnh mẽ nhất từ năm 2007 đến nay, tăng 9 bậc (từ vị trí 91/189 lên vị trí 82/190 của bảng xếp hạng). Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận Việt Nam đã có những bước đi vững vàng, đã nỗ lực thay đổi chính sách, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh và có những vùng kinh tế phát triển vững bền.
Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng liên tục cao trong suốt hơn 20 năm qua, là một trong số rất ít các quốc gia trên thế giới duy trì tăng trưởng kinh tế dương liên tục. Đặc biệt sau khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động của khủng hoảng, Việt Nam vẫn là một trong 15 quốc gia được đánh giá cao về môi trường đầu tư ổn định.
Những cải thiện về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy một thông điệp đủ mạnh và định hướng rõ ràng từ Chính phủ. Trong đó, dự án cơ chế kết nối một cửa quốc gia gồm 10 cơ quan Bộ kết nối với 31 thủ tục, trên 90.000 bộ hồ sơ và 60.000 doanh nghiệp tham gia đã thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, phấn đấu đạt được mục tiêu ngang bằng các nước ASEAN 4.
Một trong những hành động thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của VN trong thời gian qua có thể kể đến là, lần thứ 3, Chính phủ nâng cấp Nghị quyết 19 về các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết số 19 năm 2016 vừa qua đã đề ra nhiều mục tiêu đột phá như: phấn đấu đến năm 2017 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN 4 trên một số chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh thuộc nhóm chỉ số nâng cao hiệu quả. Tiếp đó, CP ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Với quyết tâm cao từ Chính phủ, sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hàng nghìn thủ tục hành chính; hàng nghìn điều kiện kinh doanh, giấy phép con quy định tại các thông tư đã được bãi bỏ… tạo niềm tin cho khu vực doanh nghiệp. Năm 2016, lần đầu tiên, số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam đạt con số kỷ lục với hơn 110.000 doanh nghiệp.
Hiện cả nước có gần 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Riêng năm 2016 đã có trên 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp của Chính phủ. Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, cả nước có trên 1 triệu doanh nghiệp nhưng với yêu cầu là không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng hoạt động của các doanh nghiệp cũng phải được cải thiện mạnh mẽ.
Lộ trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong nhiều năm qua đã khẳng định vị thế của dải đất hình chữ S trên thương trường quốc tế, mở ra nhiều cơ hội cũng như nhiều thử thách song hành. Với kế hoạch hành động cụ thể và những thông điệp mạnh mẽ từ chính phủ, Việt Nam sẽ trở thành một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời sẽ tiếp tục là môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng đối với các nhà đầu tư trong nước trong những năm tiếp theo.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.