18+ liệu có bị lạm dụng thành dòng phim bùng nổ?

Theo Việt Văn/Lao Động-Thứ ba, ngày 22/09/2015 15:16 GMT+7

VTV.vn - Năm 2016, các nhà làm phim Việt Nam có thể lạc quan vì cửa đã mở rộng cho sáng tạo nghệ thuật. Nhưng liệu phim Việt dán nhãn 18+ có bùng nổ trong tương lai?

Cục Điện ảnh vừa tổ chức một hội thảo để sát hạch lần cuối Dự thảo "Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thẩm định và cấp phép phổ biến phim ở Việt Nam", trong đó có phụ lục Tiêu chí phân loại theo độ tuổi dành cho phim điện ảnh chiếu ngoài rạp. Được biết, bảng tiêu chí đã được xây dựng trong 2 năm và qua 10 lần sửa đổi sau khi thu thập ý kiến của công chúng và các ban, ngành qua phương tiện truyền thông đại chúng.

Dự thảo mới giới thiệu gồm 4 cấp độ: Phim dành cho mọi lứa tuổi (dán nhãn là P), Phim cấm trẻ em dưới 13 tuổi (C13), Phim không dành cho người dưới 16 tuổi (C16) và Phim cấm khán giả dưới 18 tuổi (C18). Việc phân loại phim dựa trên các tiêu chí về chủ đề, nội dung, mức độ bạo lực, kinh dị, khỏa thân, tình dục, ma túy, ngôn ngữ… có trong phim.

18+ sẽ thành một dòng phim Việt?

Khi phim đã có cấp độ 18+ cũng là đã có một sự đổi mới thông thoáng hơn với những đề tài nhạy cảm, và hình ảnh chỉ dành cho người trưởng thành. Những lo ngại về việc không qua được cửa thẩm định, phim phải “đóng gói” không phát hành như kiểu Bẫy cấp 3, Rừng xác sống…, hay phải chỉnh sửa từ bờ tới bến mới được công chiếu như Đường đua, Hương Ga…, hay bị cắt nham nhở nhiều phân cảnh làm mất đi sự toàn vẹn của tác phẩm, ảnh hưởng tới nội dung, hình ảnh phim như Cánh đồng bất tận, Bi! Đừng sợ… sẽ không còn ám ảnh các nhà làm phim và cả nhà sản xuất.

Một cảnh trong bộ phim Hương Ga

Mấy năm gần đây, dòng phim thị trường luôn ở thế thượng phong, hay khai thác các đề tài theo thị hiếu giải trí của khán giả đại chúng, như bạo lực, kinh dị, tình dục… như một công thức mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất phim. Trước nay, do tiêu chí phân loại phim ở Việt Nam chỉ có 2 cấp độ là P và C16 - như sợi dây bó tay bó chân các nhà làm phim. Cho nên họ phải tự gò mình vào khuôn khổ, ít dám bung phá các đề tài nhạy cảm. Nay, cánh cửa 18+ như một không gian mới mở rộng để các nhà làm phim có thể tự do sáng tạo, làm những phim “nóng”, bạo liệt.

Ngay cả với dòng phim nghệ thuật, không biết có phải là một trào lưu, một sở thích, mà các nhà làm phim Việt gần như đa số đều hướng tác phẩm của mình đến những đề tài nhạy cảm mà giới hạn nằm trong phạm quy 18+? Nay, khi 18+ được “mở cửa”, họ có thể thỏa chí làm những phim thật “nóng”, gây sốc, để hút khán giả 18 tuổi trở lên - tầm tuổi chiếm tỉ lệ khán giả tới rạp nhiều nhất, và ưa thích sự mới mẻ, dữ dội, không bị giới hạn nào cản trở. Và một dòng phim 18+ ở điện ảnh Việt tương lai sẽ là đáng khuyến khích hay cần hạn chế?

Những bất cập khi dán nhãn phim 18+

Trong dự thảo, cảnh khỏa thân, tình dục ở cấp độ 18+ được quy định: “Cảnh khỏa thân toàn phần phải phù hợp với nội dung phim, không cận cảnh bộ phận sinh dục, không diễn ra thường xuyên (cảnh được miêu tả không quá 3 lần) và không kéo dài thời lượng (không vượt quá 5 giây)”.

Cần cụ thể hơn trong câu “Cảnh miêu tả không quá 3 lần” - là chỉ một cảnh không được lặp lại quá 3 lần trong 1 phân cảnh hay là cảnh nóng không quá 3 lần trong 1 phim. Vì trong phim có thể có rất nhiều phân cảnh khỏa thân, và không cảnh nào quá quy định, song nếu cộng tất cả cảnh khỏa thân trong phim lên đến vài chục phút thì sao? Đây là dành cho cảnh khỏa thân toàn phần, còn cảnh khỏa thân bán phần thì sao?

Quy định phim gắn nhãn 18+ “không được có cảnh mô phỏng hoạt động tình dục trái tự nhiên như quan hệ với trẻ em, loạn luân hay cảnh khuyến khích sử dụng ma túy và các chất gây nghiện…”. Nhưng, với hoạt động tình dục đồng tính thì sao? (hiện tại đồng tính được nhiều quốc gia Âu - Mỹ công nhận, và VN cũng đang trong xu thế không bài xích). Ngay cả với quy định các chất gây nghiện thì phạm trù này cũng rất mập mờ, bởi hiện tại có nhiều chất gây nghiện nhưng không bị cấm, ví dụ như shisha.

Phim 18+ cho phép: “Các cảnh tả thực về bạo lực và đổ máu nhưng phải phù hợp ngữ cảnh tác phẩm”. Đây cũng là quy định chưa rõ ràng, nếu như bối cảnh phim là một cuộc thảm sát tập thể, và cảnh giết người rất dã man cứ lặp đi lặp lại? Hay nếu phim diễn tả các cảnh giết người thời Trung cổ với các kiều như voi giày, tứ mã phanh thây, lăng trì, chảo dầu… thì có được không? Chưa có một sự giới hạn cụ thể mức độ phạm vi thời lượng đến đâu.

Ngay cả quy định về ngôn ngữ cũng chưa cụ thể, vẫn chung chung. “Ngôn ngữ nhạy cảm về văn hóa như lời chửi, câu rủa hoặc tiếng lóng, từ đệm gây phản cảm cho người xem có thể xuất hiện”. Nhưng xuất hiện tần suất bao nhiêu lần trong phim? Và có hay không những ngôn ngữ không được phép có trong phim (ở Pháp, Mỹ và một số quốc gia có cả một bảng quy định cụ thể từ ngữ nào cấm dùng trong phim, kể cả phim có dán nhãn 18+).

Ngoài ra, khi phim 18+ phát hành ra rạp, liệu có thể kiểm soát được độ tuổi khán giả khi một số lượng lớn khán giả Việt Nam ít có sự tự giác tuân theo quy định!

Phân loại phim theo 4 cấp độ tuổi là một sự tiến bộ và đổi mới với điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, với cấp độ 18+ là cửa đã mở, tạo nhiều điều kiện cho các nhà làm phim Việt sáng tạo một cách trọn vẹn ý tưởng nghệ thuật của mình, nhưng không có nghĩa là chỉ lấy những vấn đề nhạy cảm trong quy phạm 18+ làm mục tiêu cho tác phẩm của mình.

Các phim C16, C13 và P có mức độ mô tả bạo lực, tình dục, kinh dị, chất kích thích và gây nghiện, và ngôn ngữ tục tĩu phản cảm giảm dần, phù hợp với lứa tuổi. Riêng phim P (dành cho mọi lứa tuổi) không có cảnh bạo lực, cảnh khỏa thân, quan hệ tình dục, cảnh về sử dụng hoặc sản xuất chất kích thích, ma túy hoặc cảnh kinh dị gây sợ hãi cho trẻ em.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước