Hội thảo mang tên "Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo chuẩn kỹ năng công nghệ thông tin Nhật Bản", được Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Phát triển Công nghệ thông tin Nhật Bản (IPA) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hội thảo mang tới cái nhìn rõ nét về thực trạng nguồn nhân lực CNTT tại Việt Nam, qua đó nhấn mạnh vai trò của chuẩn kỹ năng CNTT trong phát triển nguồn nhân lực CNTT tại nước ta. Theo ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, tính đến nay, đã có hơn 15.000 thí sinh đăng ký tham dự các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT tại Việt Nam, được cấp chứng chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ và được công nhận bởi Chính phủ Nhật Bản và các quốc gia tham gia ITPEC. Đây là minh chứng cho kết quả của sự hợp tác giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam trong việc tổ chức các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT được công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia trong khu vực.
Ông Phạm Đại Dương - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ, Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phát biểu tại hội thảo
Trong phần giới thiệu về chương trình chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản, ông Ogawa Kenji - Giám đốc Chương trình ITPEC Nhật Bản và cũng là đại diện của Cục Phát triển Công nghệ thông tin Nhật Bản (IPA) nhấn mạnh VITEC và IPA sẽ tập trung xây dựng và mở rộng mạng lưới các đối tác nhằm hỗ trợ đào tạo và sát hạch kỹ sư CNTT theo các loại hình trong thời gian tới.
Ông Ogawa Kenji - Giám đốc Chương trình ITPEC Nhật Bản giới thiệu về chương trình chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản
Tại hội thảo, ông Nguyễn Lâm Thanh - đại diện Trung tâm đào tạo VITEC thừa nhận dù chương trình sát hạch kỹ sư CNTT đã được triển khai hơn 10 năm nay, tuy nhiên, số lượng đăng ký dự thi và nhận được chứng chỉ còn thấp. Để khắc phục vấn đề này, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết VITEC đã tiến hành xã hội hóa công tác đào tạo, sát hạch kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản, tìm kiếm đối tác từ các trường Đại học, các đơn vị, tổ chức tham gia hỗ trợ đào tạo cùng trung tâm để giúp nội dung chương trình tiếp cận đông đảo sinh viên và hỗ trợ các sinh viên luyện thi để vượt qua các kỳ sát hạch, nhận được chứng chỉ.
Trong buổi hội thảo, Trung tâm đào tạo VITEC đã trao chứng nhận đối tác triển khai chương trình ITPEC cho 25 trường Đại học, đơn vị và tổ chức sẽ tham gia chương trình hỗ trợ đào tạo kỹ sư CNTT theo chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản, bao gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Đại học Đông Á, Đại học Thái Nguyên…
Xây dựng chuẩn kỹ năng kỹ sư công nghệ thông tin
Tháng 10/2000, Chính phủ Nhật Bản đã đề xuất "Sáng kiến chuẩn hóa kỹ năng CNTT của châu Á", trong đó, một phần của sáng kiến là "Hệ thống sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin" được công nhận lẫn nhau giữa các nước trong khu vực. Theo đó, các kỳ sát hạch kỹ sư CNTT tại các nước ASEAN, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ được tổ chức dựa trên các chuẩn kỹ năng được công nhận tương đương giữa các quốc gia. Tính đến nay, đã có 11 nước và khu vực tham gia vào hệ thống công nhận lẫn nhau này, bao gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysisa và Myanmar.
Tháng 6/2002, Trung tâm đào tạo VITEC được Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập nhằm thực hiện nhiệm vụ trên tại Việt Nam. Hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT của VITEC được xây dựng theo mẫu hệ thống chuẩn kỹ năng CNTT Nhật Bản, có các điều chỉnh nhằm phù hợp với điều kiện của Việt Nam, tương đương với các chuẩn quốc gia về kiến thức và kỹ năng CNTT của Nhật Bản và 10 nước trong khu vực.
Tổ chức các kỳ sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin
Nhằm đánh giá năng lực của đội ngũ nhân lực CNTT tại Việt Nam, hiện tại, có 3 loại hình sát hạch CNTT được công nhận tương đương với Nhật Bản bao gồm Hộ chiếu CNTT (IP), Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) và Kỹ sư Ứng dụng (AP).
Cụ thể, loại hình sát hạch Hộ chiếu CNTT (IP) dành cho bất cứ ai có kiến thức cơ bản về CNTT mà không phụ thuộc vào việc họ học ở đâu và học ngành gì. Trong khi đó, loại hình sát hạch Kỹ sư CNTT cơ bản (FE) được thiết kế để đánh giá các cá nhân có kiến thức và những kỹ năng cơ bản liên quan tới các khía cạnh của CNTT. Cao hơn hai loại hình trước là loại hình sát hạch Kỹ sư Ứng dụng CNTT chỉ dành cho những người có sự ứng dụng kiến thức, kỹ năng cần thiết để là một nhân lực CNTT tiên tiến và những người đã thiết lập hướng đi riêng của họ như là một nhân lực CNTT bậc cao.
Dựa trên các chuẩn kỹ năng kỹ sư CNTT, mỗi năm, VITEC tổ chức 2 kỳ sát hạch tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh, bao gồm:
- Kỳ sát hạch mùa xuân được tổ chức vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 4 với 2 loại hình IP và FE.
- Kỳ sát hạch mùa thu được tổ chức vào Chủ nhật cuối cùng của tháng 10 với 3 loại hình IP, FE và AP.
Chứng nhận kỳ sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin
Các thí sinh đỗ kỳ sát hạch sẽ được cấp chứng nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ tương đương với chứng nhận mà Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cấp cho các thí sinh vượt qua kỳ sát hạch tại Nhật Bản. Ngoài ra, các thí sinh đỗ trong kỳ sát hạch kỹ sư CNTT còn có nhiều cơ hội được làm việc tại các công ty lớn, được ưu tiên xét vào học tập và làm việc tại Nhật Bản.
Mục tiêu chương trình sát hạch kỹ sư công nghệ thông tin
Với những thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực CNTT ngày nay, chương trình sát hạch được thực hiện với mục tiêu:
- Nâng cao kỹ năng của đội ngũ cán bộ CNTT và đánh giá những kỹ năng đó dựa trên các yếu tố đã xác định; cung cấp tiêu chí khách quan cho việc đánh giá các kỹ năng, kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế về CNTT của người lao động trong lĩnh vực CNTT;
- Hoàn thiện công nghệ bằng cách đưa ra những mục tiêu về công nghệ cho người lao động trong lĩnh vực CNTT và khuyến khích họ đạt tới;
- Đảm bảo mức tương đồng về năng lực và trình độ của người kỹ sư CNTT tôt nghiệp tại các cơ sở đào tạo khác nhau;
- Nâng cao nhận thức của xã hội về CNTT trong mọi tầng lớp nhân dân bằng cách cung cấp những cơ hội để áp dụng các kỳ sát hạch này.
Thông tin về việc tổ chức sát hạch công nghệ thông tin mùa thu năm 2016
- Loại hình sát hạch: Hộ chiếu CNTT (IP), Kỹ sư CNTT cơ bản (FE), Kỹ sư Ứng dụng CNTT (AP).
- Thời gian: Chủ nhật, ngày 16/10/2016.
- Hình thức sát hạch:
Đối với loại hình IP:
Phần thi chung (165 phút): Bài thi trắc nghiệm.
Đối với loại hình FE:
Phần thi kiến thức buổi sáng (150 phút): Bài thi trắc nghiệm.
Phần thi kỹ năng buổi chiều (150 phút): Bài thi trắc nghiệm.
Đối với loại hình AP:
Phần thi kiến thức buổi sáng (150 phút): Bài thi trắc nghiệm.
Phần thi kỹ năng buổi chiều (150 phút): Câu hỏi tự luận - Bài thi viết.
- Ngôn ngữ: Tiếng Anh và tiếng Việt (phần tiếng Việt dùng để tham khảo).
- Địa điểm: Hà Nội, Huế, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh (Địa điểm chi tiết sẽ được thông báo chính thức trên trang chủ của VITEC ngày 10/10/2016).
- Chứng chỉ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng chỉ cho các thí sinh đạt yêu cầu loại hình IP, FE và AP.
- Lệ phí sát hạch: 1.500.000 đồng/thí sinh/loại hình, bao gồm 3 lần sát hạch thử trên trang web của VITEC và học ôn trực tuyến miễn phí.
- Thời hạn đăng ký và nộp lệ phí: Từ ngày 15/6/2016 đến trước 16h30 ngày 30/9/2016.
Thông tin về đơn đăng ký và đề thi mẫu của các loại hình sát hạch có thể tham khảo trên trang web của VITEC tại địa chỉ www.vitec.org.vn.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tạiTV Online!