Ví điện tử ở Việt Nam: Nhiều nhưng có thực sự hiệu quả?

PV-Thứ năm, ngày 16/11/2017 15:03 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Số lượng ví điện tử do các tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam sở hữu hiện nay còn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực.

Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST 2017 đã diễn ra từ ngày 14/11 tại Hà Nội. Hội thảo diễn ra trong 2 ngày với sự tham gia của nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Cộng đồng tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp; Nông nghiệp; Giáo dục; Du lịch và Dịch vụ ẩm thực; Y tế; Công nghệ Tiên Phong và công nghệ Tiềm năng. Sự kiện có sự tham gia của Phó Thủ Tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội.

Trong khuôn khổ hội thảo, buổi thảo luận về "Tương lai ngành Ngân hàng dưới tác động của công nghệ" đã thu hút nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Phóng viên VTV.VN đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Đức Minh Hiếu – CEO Công ty Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC) để hiểu rõ hơn về những vấn đề xoay quanh chủ đề này.

PV: Trong buổi hội thảo, ông và các diễn giả đã đề cập đến nhiều hình thức thanh toán khác ngoài ngân hàng trong đó điển hình là ví điện tử. Xin ông cho biết sơ bộ về khái niệm ví điện tử?

Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Hiện nay, có rất nhiều những hình thức giao dịch không cần dùng tới tiền mặt ngoài ngân hàng. Trong đó ví điện tử được xem là một trong những hình thức thanh toán phổ biến. Không cần dùng tiền mặt, không cần đến thẻ ngân hàng, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đã có thể thanh toán tại bất cứ đâu.

Ví điện tử có thể được hiểu là một tài khoản điện tử được giao tiếp với người dùng thông qua các môi trường như internet, mobile, quầy giao dịch… trong đó ứng dụng trên điện thoại đang nổi lên như là một kênh giao tiếp ngày càng thông dụng và phổ biến. Ví điện tử ngày nay không chỉ giúp người dùng lưu trữ tiền điện tử mà còn có thể lưu trữ các loại thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước, tài khoản ngân hàng. 

Ví điện tử có thể được sử dụng để thanh toán hóa đơn, mua sắm, thanh toán các dịch vụ, chuyển tiền. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các công ty ví điện tử trên thị trường, các thao tác sử dụng ví điện tử cũng được phát triển trở nên khá đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi.

Ví điện tử ở Việt Nam: Nhiều nhưng có thực sự hiệu quả? - Ảnh 1.

Ông Vũ Đức Minh Hiếu (ngoài cùng bên trái) chia sẻ tại buổi hội thảo

PV: Ông có thể chia sẻ về một vài mô hình ví điện tử trên thế giới?

Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Theo nghiên cứu và phân tích của chúng tôi, trên thế giới có một số mô hình phát triển ví điện tử như sau:

Thứ nhất, mô hình ví điện tử được phát triển bởi các công ty viễn thông. Lợi thế của các công ty viễn thông là có cơ sở hạ tầng, có tập khách hàng lớn sử dụng điện thoại di động, nguồn lực tài chính dồi dào và mạng lưới rộng khắp. Điển hình cho mô hình này là ở các nước Kenya, Tanzania, Philippines.

Thứ hai, mô hình ví điện tử được phát triển bởi các công ty thương mại điện tử với lợi thế khách hàng đều có nhu cầu thanh toán qua môi trường internet và mobile. Điển hình cho mô hình này là Paypal và Ebay, Alibaba và Alipay.

Mô hình thứ ba - mô hình ví điện tử được phát triển bởi ngân hàng, trong đó ngân hàng có lợi thế cũng là một tổ chức thanh toán, có nguồn lực tài chính, có công nghệ, quy trình và được sự tin tưởng và hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước. Điển hình cho mô hình này là ở Campuchia.

Mô hình thứ tư là mô hình ví điện tử được phát triển trên nền tảng dịch vụ giao thông công cộng. Ví dụ cho mô hình này ở các nước như Singapore, Nhật Bản, Anh.

Mô hình thứ năm gần đây đang nở rộ là mô hình phát triển ví điện tử bởi các nhà sản xuất điện thoại. Ưu điểm của các đơn vị này là có tập khách hàng và có thể đưa các công nghệ thanh toán và các thiết bị di động của khách hàng trực tiếp ngay từ khâu sản xuất. Ví dụ cho mô hình này là SamsungPay hoặc ApplePay.

PV: Các yếu tố nào có thể thúc đẩy phát triển ví điện tử tại Việt Nam thưa ông?

Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Theo tôi đánh giá, có 3 nhân tố sẽ có tác động quyết định giúp thị trường có thể phát triển. Một là thay đổi thói quen người tiêu dùng. Hiện tại thói quen sử dụng tiền mặt vẫn đang rất phổ biến tại thị trường Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi thu thập được, vẫn còn trên 90% khách hàng có thói quen sử dụng hình thức COD đối với các giao dịch thương mại điện tử. Đây sẽ là một thách thức không nhỏ để phát triển thị trường ví điện tử.

Nhân tố thứ 2 sẽ là các đơn vị cung cấp dịch vụ ví điện tử trên thị trường. Theo tôi, các đơn vị cung cấp dịch vụ cần chuẩn bị tốt nhận thức hành vi khách hàng, xây dựng sản phẩm tiện dụng, đầu tư hệ thống công nghệ và bảo mật hiện đại và chuẩn bị nguồn lực tài chính để có thể đầu tư phát triển trong một khoảng thời gian phù hợp.

Và nhân tố cuối cùng sẽ là các nhà tạo lập chính sách. Cụ thể ở đây sẽ là Ngân hàng Nhà nước, đơn vị đóng vai trò tạo hành lang hỗ trợ thị trường thúc đây. Theo ý kiến của tôi thì nhân tố này sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tạo động lực giúp thị trường ví điện tử phát triển.

Ví điện tử ở Việt Nam: Nhiều nhưng có thực sự hiệu quả? - Ảnh 2.

Tỷ lệ tài khoản Ví điện tử/dân cư, 2011 – 2015. (Nguồn: VIRAC tổng hợp)

PV: Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý của loại hình ví điện tử này?

Ông Vũ Đức Minh Hiếu: Gần đây cũng có nhiều hội thảo và diễn giả thảo luận các vấn đề xung quanh nội dung này. Thị trường cũng đang mong đợi nhiều chính sách được cởi mở để có điều kiện phát triển. Trong đó, nổi bật lên là 2 vấn đề chính:

Một là vấn đề định danh khách hàng (KYC – Know Your Customer). Thực tế ở nhiều nước, chính sách đã mở cửa cho việc e-KYC. Điều đó có nghĩa là khách hàng của các đơn vị cung cấp ví điện tử sẽ không cần thiết phải đến tận quầy gặp trực tiếp, điền form mẫu, xuất trình chứng minh thư, ký chữ ký tươi nữa. Mà thay vào đó, tất các các thủ tục đều có thể làm trên môi trường kỹ thuật số như internet. Ở Việt Nam đây đang là một rào cản không nhỏ cho các công ty ví điện tử để tiếp cận và thu hút khách hàng mới.

Vấn đề thứ hai là việc quy định một tài khoản ví điện tử phải được kết nối, nạp và rút tiền thông qua 1 tài khoản ngân hàng. Việc này một mặt đảm bảo tính an toàn và ổn định cho người dùng do Ngân hàng là tổ chức được đánh giá là uy tín với độ bảo mật an toàn cao, được quy định chặt chẽ bởi nhiều văn bản pháp luật. Tuy nhiên mặt khác các đơn vị cung cấp ví điện tử cũng sẽ gặp rào cản trong việc tìm kiếm khách hàng mới đặc biệt là khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng.

Mặc dù vậy theo như tôi được biết tại một số hội thảo gần đây trong lĩnh vực này, đại diện của cơ quan quản lý cũng chia sẻ về việc sẽ sớm có các phương án để xử lý các vấn đề trên và thúc đẩy thị trường ví điện tử phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo báo cáo của Công ty Cổ phần Nghiên cứu Ngành và Tư vấn Việt Nam (VIRAC), số lượng ví điện tử do các tổ chức trung gian thanh toán tại Việt Nam sở hữu hiện nay còn rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực. Cụ thể, Việt Nam với số dân đạt trên 92 triệu người, hiện chỉ đạt 0.04 tài khoản ví/dân cư. Trái lại, khi so sánh với một số nước có nền tảng thương mại trực tuyến phát triển mạnh mẽ như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc - Việt Nam có số lượng doanh nghiệp ví điện tử nhiều hơn gấp đôi. Đáng buồn là giá trị giao dịch ví điện tử của Việt Nam lại thấp hơn rất nhiều.

Ví điện tử ở Việt Nam: Nhiều nhưng có thực sự hiệu quả? - Ảnh 3.

Thực trạng giao dịch ví điện tử quý 1/2017. ( Nguồn: VIRAC)

Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng để đưa loại hình thanh toán này trở nên phổ biến hơn tại thị trường trong nước. Cũng mới đây, vào 10/11, Alipay đã ký thỏa thuận với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) để đưa ví điện tử Alipay vào Việt Nam, chính thức trở thành một phương thức thanh toán thuận tiện hơn cho khách du lịch Trung Quốc khi đến du lịch tại Việt Nam. Trước đó, NAPAS cũng đã hợp tác với Samsung để đưa ra thị trường sản phẩm Samsung Pay.

Nhìn chung, thị trường ví điện tử tại Việt Nam rất nhiều tiềm năng nhưng có thể phát huy được hết những điểm mạnh đó hay không thì điều này phụ thuộc rất lớn vào sự hỗ trợ của Chính phủ cũng như của bản thân các doanh nghiệp.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước