Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục đăng ký, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia, mới đây, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã phối hợp với Công an TP Hà Nội tổ chức triển khai mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến theo Đề án 06 của Chính phủ tại 3 điểm thuộc phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy.
Qua một thời gian ngắn triển khai thực tế, mô hình điểm dịch vụ công trực tuyến đã bước đầu mang lại lợi ích cho người dân khi đi làm các thủ tục hành chính. Đây chính là mục tiêu trọng tâm của Đề án 06, đó là hướng tới việc giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc cho người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Vốn là nhà văn hóa của tổ dân phố số 1, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, giờ đây, khu vực này còn có thêm một công dụng quan trọng nữa, khi là nơi triển khai mô hình dịch vụ công trực tuyến cho người dân trên địa bàn. Cán bộ cảnh sát khu vực của công an phường cũng được phân công kiêm luôn nhiệm vụ túc trực ở đây để hướng dẫn người dân, thực hiện các thao tác đăng ký tài khoản và trực tiếp làm một số thủ tục hành chính liên quan.
"Từ thời điểm khai trương theo tôi thống kê đã có 62 tài khoản xác lập, hơn 60 hồ sơ gửi lên bộ phận tiếp nhận của công an phường" - Đại úy Lê Văn Thăng, Công an phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.
Sau hơn 1 tuần triển khai, bước đầu người dân đã cảm nhận được tiện ích khi thực hiện thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đơn giản nhất là việc đăng ký thường trú, tạm trú, thay vì phải đến tận trụ sở công an phường mang theo đầy đủ giấy tờ tùy thân để đăng ký thì giờ người dân ở tổ dân phố này, chỉ cần ra nhà văn hóa tại khu, đăng nhập vào hệ thống là hồ sơ sẽ được gửi trực tuyến tới công an phường.
"Thái độ của người dân đón nhận tương đối tốt. Tiết kiệm thời gian công sức, đặc biệt các cơ sở lưu trú trên địa bàn. Buổi tối ra ít phút có thể khai báo được đôi 3 chục người cư trú" - ông Nguyễn Ngọc Giao, Tổ trưởng Tổ dân phố số 1, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, chia sẻ.
"Thực ra là cũng mới được các anh hướng dẫn nhiệt tình thì biết sử dụng ngay. Nói chung cũng đơn giản" - ông Lương Viết Tuyến, tổ dân phố số 1, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.
Dù trực tiếp mang lại nhiều tiện ích thiết thực nhưng thực tế triển khai cho thấy, một số người dân vẫn có tâm lý ngại thay đổi và suy nghĩ bản thân chưa thành thạo công nghệ thông tin. Điều này đang là rào cản đối với quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại đây.
Theo lãnh đạo Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an, ngoài mục tiêu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu, ứng dụng dữ liệu dân cư còn phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng công dân số; góp phần hoạch định chính sách… theo lộ trình mà Đề án 06 của Chính phủ đã đặt ra.
"Khi chúng tôi xây dựng xong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân thì đã xác lập một nguồn tài nguyên mới vô cùng có giá trị. Đề án 06 của Chính phủ thúc đẩy làm sao việc khai thác dư liệu đó mang lại giá trị cho doanh nghiệp, cho người dân. Đề an 06 nêu rất rõ lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm" - Trung tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết.
Đến thời điểm hiện tại, bước đầu người dân đã có thể vận hành, khai thác các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Hạ tầng thiết bị kỹ thuật phần cứng, phần mềm cơ bản đảm bảo, kết nối đường truyền thông suốt từ Bộ đến Công an cấp xã. Theo lộ trình, các thông tin về y tế, giấy phép lái xe, thẻ tín dụng, an sinh xã hội... vẫn đang hàng ngày được nghiên cứu, tích hợp, cập nhật để thực hiện các yêu cầu đa dạng của người dân trên các lĩnh vực.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!