Twitch đẩy mạnh hợp tác với ngành công nghiệp âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương

Huệ Anh (Theo CNBC)-Thứ bảy, ngày 22/08/2020 06:26 GMT+7

Các game thủ của đội tuyển Malaysia thi đấu vòng loại eSports giữa Malaysia và Việt Nam tại SEA GAMES 2019 (Nguồn: CNBC)

VTV.vn - Nền tảng phát trực tiếp Twitch của gã khổng lồ công nghệ Amazon đang dần "lấn sân" sang nhiều nội dung hơn, bao gồm âm nhạc và các lĩnh vực văn hóa đại chúng khác.

Nền tảng phát trực tiếp Twitch của gã khổng lồ công nghệ Amazon, nơi hầu hết những video phát trực tiếp đều mang nội dung của các game thủ thịnh hành, đang có kế hoạch hợp tác chặt chẽ hơn với ngành công nghiệp âm nhạc tại châu Á - Thái Bình Dương nhằm mở rộng những nội dung không liên quan đến game.

Twitch ban đầu chỉ đơn thuần là nơi truyền phát video trực tiếp để người dùng có thể tự đăng tải những nội dung về game. Mặc dù thể thao điện tử (eSports) vẫn đóng vai trò quan trọng trên nền tảng, Twitch đang dần "lấn sân" sang nhiều nội dung kỹ thuật số đa dạng hơn bao gồm âm nhạc và các lĩnh vực khác của văn hóa đại chúng; cho thành lập các kênh nghệ thuật và âm nhạc, chương trình talk show và vlogger trực tiếp (còn được gọi là các kênh IRL).

Twitch đẩy mạnh hợp tác với ngành công nghiệp âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 1.

Màn hình đăng nhập của Twitch, nền tảng truyền phát trực tiếp với nội dung chủ yếu liên quan đến các game thủ thịnh hành (Nguồn: Reuters)

Bà Sunita Kaur - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á - Thái Bình Dương của Twitch - cho biết, nền tảng này hiện đã phát triển trên khắp các thị trường lớn trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Australia. Đông Nam Á cũng nằm trong số đó nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của thể thao điện tử.

Theo bà Kaur, âm nhạc cũng được Twitch ưu tiên. Chẳng hạn như phong phú hóa nội dung K-Pop cũng nằm trong kế hoạch phát triển của Twitch.

Bà Kaur chia sẻ: "Âm nhạc là lĩnh vực chúng tôi thấy phát triển mạnh nhất... Chúng tôi chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian hơn để tăng cường quan hệ hợp tác với ngành công nghiệp âm nhạc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Theo bà Kaur, ngày càng nhiều nghệ sĩ chuyển sang sử dụng nền tảng này, các công ty sản xuất âm nhạc cũng vậy đều đang muốn trải nghiệm và tìm hiểu thêm về Twitch.

Twitch đẩy mạnh hợp tác với ngành công nghiệp âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh 2.

Twitch TV được chiếu tại Triển lãm giải trí điện tử Electronic Entertainment Expo 2017 (Nguồn: Reuters)

Sự phát triển của hoạt động phát trực tiếp

Đại dịch COVID-19 buộc người dân phải ở trong nhà trong bối cảnh các quốc gia đồng loạt đóng băng mọi hình thức kinh doanh ngoài đời thực nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2. Hình thức giải trí trực tuyến theo đó lên ngôi.

Theo một báo cáo của ngành công nghiệp phát trực tiếp, người dùng đã dành 5 tỷ giờ xem các nội dung trên nền tảng Twitch trong quý II/2020, tăng 2 tỷ giờ so với quý I. Như vậy, tổng số giờ phát trực tiếp trên Twitch đã tăng 58,7% so với ba tháng đầu năm và 80,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo bà Kaur, trung bình có khoảng 1,5 triệu người theo dõi Twitch tại bất kỳ thời điểm nào. Các nội dung không liên quan đến game đã tăng gấp bốn lần trong suốt ba năm qua. Tới tháng 6, số lượng người dùng đăng tải thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã tăng trưởng gấp đôi so với một năm trước. Bà Kaur tự tin rằng, ngay cả khi đại dịch kết thúc, Twitch vẫn sẽ có thể giữ chân hầu hết số lượng người xem mới gia nhập, người đăng tải, cùng nhiều đối tác mới mà Twitch có được trong những tháng gần đây.

Cạnh tranh

Twitch đang đứng trước một cuộc cạnh tranh lớn, không chỉ đơn thuần đến từ đối thủ toàn cầu là những gã khổng lồ công nghệ như Facebook hay YouTube, mà còn từ những nền tảng phát trực tiếp trong địa phương và khu vực.

Tuy nhiên, Twitch vẫn được coi là nền tảng phổ biến cho việc truyền phát trực tiếp các nội dung liên quan đến game. Thị trường châu Á - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ tạo ra thêm 78 tỷ USD doanh thu game trong năm nay.

Bà Kaur giải thích, một trong những nguyên nhân khiến Twitch nổi bật hơn so với các đối thủ khác nằm ở cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát sóng chất lượng cao cùng những công cụ có sẵn giúp người dùng có thể kiếm tiền.

Những người phát trực tiếp trên Twitch có thể tăng doanh thu nhờ những người đăng ký xem có trả phí, quảng cáo hoặc thông qua các biểu cảm ảo mà người dùng có thể gửi trong ứng dụng chat. Twitch cắt một phần doanh thu mà người tạo nội dung kiếm được. Twitch từ chối công bố số tiền này.

Kiểm duyệt nội dung và đảm bảo an toàn

Bảo vệ người dùng trước những nội dung tiêu cực trên mạng xã hội là đề tài quan trọng trong các cuộc thảo luận của Twitch. Người dùng phải ít nhất 13 tuổi, trong khi đa phần những người phát trực tiếp trên nền tảng này là đối tượng thanh thiếu niên.

Theo một bài viết gần đây trên tạp chí WIRED, hiện trên Twitch có hàng chục kênh dành cho nhóm người dùng là trẻ em dưới 13 tuổi và xuất hiện những người tham gia trò chuyện ẩn danh đã gửi những tin nhắn chứa nội dung không phù hợp tới nhóm trẻ em này.

Khi được hỏi cách Twitch kiểm duyệt nội dung trên nền tảng của mình, bà Kaur cho biết, công ty có số lượng lớn các nhân viên chuyên trách đảm bảo an toàn và tin cậy trên khắp thế giới, có nhiệm vụ xác định và xóa những nội dung không phù hợp 24/7. Nhưng quy mô của đội ngũ này Twitch từ chối tiết lộ.

Bà Kaur chia sẻ: "Đây là một trong những lĩnh vực được chúng tôi đầu tư nhất. Quy mô của đội ngũ đảm bảo nội dung an toàn này đã tăng gấp đôi trong năm qua. Điều này giúp Twitch xử lý các báo cáo về nội dung không phù hợp nhanh hơn rất rất nhiều, cũng như cung cấp thêm các công cụ mới giúp người kiểm duyệt và người xem kiểm soát những trải nghiệm của mình".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước