Gian trưng bày của Tencent tại một cuộc triển lãm Internet quốc tế được tổ chức tại thành phố Ô Chấn, tỉnh Chiết Giang, tháng 11/2020 (Ảnh: Reuters)
Cơ quan chống độc quyền Trung Quốc ngày 12/3 đã "tuýt còi" đối với Tencent - tập đoàn lớn nhất châu Á hoạt động trong ngành công nghệ tài chính (Fintech). Động thái này diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh mở rộng chiến dịch rà soát, lập lại trật tự trong ngành Fintech, khởi đầu là vụ nhằm vào đế chế kinh doanh trên mạng Ant của tỷ phú Jack Ma.
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết hình phạt tài chính với Tencent vì lợi dụng vị thế độc quyền có thể sẽ chỉ là bước khởi đầu. Quan trọng hơn, các nhà quản lý thị trường coi Tencent là mục tiêu tiếp theo trong nỗ lực tăng cường giám sát với các tập đoàn công nghệ tài chính.
Giống như trường hợp của Ant, nhiều khả năng Tencent sẽ phải chấp hành yêu cầu về thành lập một công ty tài chính để quản lý hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ thanh toán. Đây sẽ là hai tiền lệ để ép các công ty fintech khác tuân thủ những quy định chặt chẽ hơn.
Bước đi này đánh dấu bước hành động quyết liệt của Bắc Kinh trong chiến dịch kiểm soát ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ. Nó diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng giám sát đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường chống độc quyền, ngăn chặn bùng nổ vốn "mất kiểm soát".
Về phần mình, đại diện Tencent ngày 12/3 ra thông cáo báo chí cho biết tập đoàn này sẽ tiếp tục điều chỉnh thích ứng với những thay đổi trong môi trường luật pháp, điều sẽ mang lại lợi ích cho ngành công nghệ tài chính; Tencent cũng sẽ thực hiện tuân thủ đầy đủ quy định.
Cơ quan quản lý tại Trung Quốc trong sáu tháng qua đã đưa ra nhiều quy định mới, nhằm giảm thiểu quyền lực tuyệt đối mà các doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng online gây dựng lên. Cú đánh đầu tiên nhằm vào Jack Ma, với việc kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 35 tỉ USD của Ant bị hủy vào phút chót, liền sau đó là cáo buộc vi phạm luật chống độc quyền với tập đoàn Alibaba.
Tencent trong thời gian này cũng phải gánh chịu những tổn thất cơ hội từ quy định mới. Tuy nhiên, giới đầu tư dường như bỏ qua yếu tố này và họ vẫn rót tiền vào cổ phiếu của Tencent ngay cả khi Alibaba bị chính quyền xử phạt. Giá cổ phiếu Tencent trong 6 tháng qua tăng 26%, trong khi của Alibaba giảm 15%. Cổ phiếu Tencent đạt đỉnh hôm 25/1 vừa qua, đưa tập đoàn này đạt mức vốn hóa kỉ lục, xấp xỉ 950 tỉ USD.
Cùng với Ant, triển vọng của thanh toán WeChat Pay của Tencent và rộng hơn là mảng kinh doanh fintech của đế chế này sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng trước những quy định, đề xuất mà cơ quan quản lý đưa ra nhằm mục tiêu phá vỡ tập trung thị trường ở mảng thanh toán số, kiểm soát hoạt động cho vay khách hàng qua mạng.
Việc nhà quản lý có kế hoạch buộc những hoạt động kinh doanh trên đây phải thông qua một công ty tài chính, được điều chỉnh theo khung pháp lý về quản lý ngân hàng cũng sẽ khiến Tencent không thể mở rộng quy mô và tốc độ cho vay tới khách hàng như những năm vừa qua.
Ngoài lĩnh vực dịch vụ tài chính, Tencent cùng với những công ty, tập đoàn khác trong ngành còn bị soi về mảng chống độc quyền. Ngày 13/2, Cục Quản lý nhà nước về quy chế thị trường (SAMR) Trung Quốc ra thông báo phạt 12 công ty vì lợi dụng vị thế độc quyền, với mức phạt 500.000 nhân dân tệ (khoảng 77.000 USD)/mỗi công ty, với lý do có sai phạm trong hoạt động mua bán, đầu tư trước đây. Trong số này có Tencent, cùng nhiều tên tuổi khác như công ty chuyên về dịch vụ tìm kiếm Baidu, Softbank cùng với hãng cung ứng dịch vụ xe chung Didi Chuxing…
Alibaba của Jack Ma cũng đang bị cáo buộc vi phạm chống độc quyền và cơ quan quản lý tại Trung Quốc đang xem xét áp đặt mức phạt tiền cao kỉ lục, vượt cả số tiền phạt 975 triệu USD mà tập đoàn Qualcomm (Mỹ) từng phải trả cho Apple năm 2015 theo phán quyết của tòa liên bang Mỹ, cũng với tội danh lợi dụng vị thế độc quyền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!