Ngày 4/5, VNREDSAT - 1 sẽ được phóng lên quỹ đạo

Nguyễn Ánh, Hà Bình-Thứ sáu, ngày 03/05/2013 06:17 GMT+7

Sáng 4/5 (giờ Việt Nam), VNREDSAT - 1, vệ tinh giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai đầu tiên của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo từ bãi phóng Kourou, Guyana thuộc Pháp.

‘ Vệ tinh VNREDSat-1 được các chuyên gia đưa vào khoang chở hàng của tên lửa đẩy VEGA. (Ảnh: An ninh thủ đô)

Để thực hiện dự án quan trọng này, các chuyên gia Việt Nam đã tiếp cận công nghệ từ khâu thiết kế, chế tạo và sau đó sẽ tiếp nhận, khai thác. Các hạng mục cuối cùng để chuẩn bị cho giờ phút quan trọng cũng đã được các chuyên gia hoàn tất.

Trung tâm điều khiển vệ tinh viễn thám VNREDSAT - 1 được đánh giá là khu đầu não quan trọng nhất, nắm giữ linh hồn của vệ tinh viễn thám. Các kỹ sư đảm bảo kỹ thuật cho dự án đang làm việc trong môi trường giả định đã có vệ tinh viễn thám được phóng lên quỹ đạo, nhằm kiểm tra tình trạng hoạt động của vệ tinh, phân tích các số liệu từ vệ tinh gửi về.

Hiện tại Trung tâm điều khiển vệ tinh đã có 15 kỹ sư được đào tạo tại Pháp cùng 5 kỹ sư được đào tạo trong nước làm việc.

Bà Brigitte Tedaldi, Giám đốc Dự án VNREDSAT – 1, công ty EADS Astrium cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng và hài lòng được làm việc với đối tác Việt Nam trong dự án này. Công nghệ vũ trụ đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật. Các chuyên gia mà chúng tôi phối hợp làm việc và đào tạo thực sự chuyên nghiệp, kết quả nghiệm thu rất tốt”.

VNREDSAT - 1 là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam, do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm cơ quan chủ quản. Mục tiêu của dự án là chụp ảnh lãnh thổ của Việt Nam và sử dụng các ảnh này cho mục đích quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai. Trước đây, các ảnh sử dụng cho các mục đích nói trên, Việt Nam phải mua của nước ngoài với giá thành rất đắt và không chủ động, không theo kịp nhu cầu ứng dụng.

Dự kiến khoảng 3 tháng sau thời điểm phóng vệ tinh (cuối tháng 7/2013), Việt Nam có thể nhận bàn giao vệ tinh trên quỹ đạo.

Việc triển khai dự án là một trong các mục tiêu quan trọng trong "Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” đã được Chính phủ phê duyệt, nhằm từng bước phát triển, tiến tới làm chủ công nghệ chế tạo và ứng dụng vệ tinh nhỏ quan sát trái đất.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước