Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit) là diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác doanh nghiệp qui mô quốc gia và quốc tế do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) khởi xướng và tổ chức thường niên bắt đầu từ năm 2011 dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Diễn đàn được tổ chức với mục đích thảo luận và chia sẻ về tầm nhìn, cập nhật các xu thế phát triển của ngành CNTT, chiến lược và các chính sách, giải pháp lớn trong phát triển CNTT, đặc biệt là trong ứng dụng, phát huy CNTT đóng vai trò là công cụ tạo lập phương thức phát triển mới, nâng cao sức cạnh tranh và hiện đại hóa đất nước trên tất cả các ngành, các lĩnh vực.
Hãy cùng nhìn lại những thông điệp được công bố tại các kỳ Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam từ năm 2011 - 2015:
Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT Việt Nam 2011:
Các khách mời tham dự tọa đàm tại Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT Việt Nam 2011
Quyết định số 1755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/9/2010 về việc Phê duyệt Đề án "Đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" đã mang đến cho VINASA sáng kiến tổ chức Hội nghị Lãnh đạo CNTT-TT 2011 (tiền thân của Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam).
Chủ đề của Hội nghị là "CNTT và tương lai phát triển đất nước", coi CNTT-TT là yếu tố then chốt góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước. Hội nghị đã thảo luận 3 yếu tố vĩ mô mang tính quyết định đến việc thực hiện thành công mục tiêu, đó là "CNTT-TT trở thành hạ tầng mềm để phát triển kinh tế xã hội", "Chính sách cho sự phát triển ngành CNTT-TT" và "Phát triển nhân lực cho ngành CNTT-TT".
Hội nghị đã phân tích và đánh giá những cơ hội, thách thức và tác động đến vận hội phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam, trong điều kiện dân số trẻ và tỷ lệ người sử dụng Internet trên toàn quốc lên đến 50% và ngành CNTT-TT đang là mũi nhọn phát triển đất nước. Trên 400 đại biểu đã tham dự Hội nghị.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012:
Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2012
Nhằm góp phần triển khai Nghị quyết số 13/NQ-TƯ của Hội nghị BCH Trung ương Đảng khóa XI về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020", VINASA cùng nhóm chuyên gia đã xây dựng chương trình Vietnam ICT Summit 2012 với chủ đề "CNTT - Hạ tầng của hạ tầng quốc gia".
Theo đó, nội dung trong diễn đàn đã tập trung vào việc thảo luận các vấn đề bức xúc hiện nay trong hệ thống hạ tầng mà CNTT có thể giúp giải quyết như: xây dựng hạ tầng thông minh dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT và viễn thông.
Bắt đầu từ năm 2012, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, tên tiếng Việt của Vietnam ICT Summit chính thức được đổi thành Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam đồng thời các kỳ Diễn đàn hàng năm đều đưa ra Thông điệp khuyến nghị về chính sách, công nghệ gửi tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT.
Nội dung Thông điệp của Diễn đàn năm 2012:
Khuyến nghị với Đảng, Chính phủ:
- Tạo nhận thức sâu sắc ở các cấp, các ngành và trong toàn xã hội về quan điểm mới của Đảng, xác định công nghệ thông tin giữ vai trò là hạ tầng của hạ tầng quốc gia, và việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT là một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình hiện đại hóa đất nước và là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
- Sớm có nghị quyết chuyên đề của Bộ Chính trị về CNTT và hiện đại hóa đất nước phù hợp với quan điểm mới của Đảng về vai trò của CNTT để thay thế cho Chỉ thị 58/CT-TW.
- Sớm thành lập Ủy ban quốc gia về công nghệ thông tin - hiện đại hóa đất nước do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch.
- Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về nhiệm vụ ứng dụng hiệu quả CNTT vì mục tiêu phát triển.
- Ứng dụng CNTT phải là yêu cầu bắt buộc trong mọi công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và được thể chế hóa bằng văn bản pháp luật.
- Xây dựng Quy hoạch tổng thể hạ tầng CNTT-TT quốc gia, cơ chế hợp tác công - tư (PPP) để huy động các nguồn lực đầu tư và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ nhất cho phát triển, ứng dụng CNTT.
- Hình thành và ban hành chuẩn CNTT quốc gia cho tất cả các cấp, các ngành để đảm bảo khả năng kết nối liên thông và đồng bộ hóa.
- Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực CNTT quốc gia; đưa nội dung quy hoạch nguồn nhân lực CNTT vào quy hoạch phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
- Trong giai đoạn đến 2015, Nhà nước cần ưu tiên tập trung ứng dụng CNTT để hiện đại hóa một số ngành, lĩnh vực gồm: Giao thông, y tế, giáo dục, cải cách hành chính, đô thị nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của đời sống xã hội hiện nay, đặc biệt là:
+ Về giao thông: Ứng dụng CNTT để xây dựng hệ thống thông tin giao thông theo thời gian thực; phát triển hệ thống giao thông thông minh; kết nối thông tin liên ngành cho các giải pháp giao thông; nâng cao ý thức giao thông;
+ Về giáo dục đào tạo: Ứng dụng CNTT để đổi mới phương thức giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực cá nhân; Nâng cao sự bình đẳng về cơ hội trong giáo dục đào tạo (giàu-nghèo, vùng-miền, dân tộc, giới tính, khuyết tật); hỗ trợ giải quyết các bức xúc của hạ tầng giáo dục (giáo viên, trường lớp, học liệu, khảo thí,..);
+ Về đô thị thông minh: Ứng dụng CNTT để phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội thông minh có thể kết nối liên thông, đồng bộ hóa; nâng cao sức cạnh tranh của các thành phố - trung tâm kinh tế vùng;
+ Về Thẻ công dân điện tử: Ứng dụng CNTT Nhanh chóng triển khai xây dựng và cấp phát mã số gốc duy nhất, không thay đổi cho mỗi người dân (mã số công dân) cùng với thẻ công dân điện tử (hoặc CMND điện tử).
Các Bộ, ngành nghiên cứu ngay việc sử dụng mã số này cho công việc của mình. Đồng thời xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm kết nối các hệ thống thông tin toàn diện về công dân trên cơ sở mã số công dân.
Khuyến nghị với cộng đồng doanh nghiệp CNTT:
- Nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cạnh tranh cùng đẩy mạnh liên kết, hợp tác, tham gia có chất lượng vào công cuộc phát triền và ứng dụng CNTT, hiện đại hóa đất nước.
- Đi đầu trong ứng dụng quản trị doanh nghiệp thông minh.
- Gắn kết việc nâng cao chất lượng quản trị và kỹ năng lao động với đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu phát triển (R&D) và trình độ công nghệ.
- Tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng thiết lập chuỗi giá trị: Nghiên cứu - đào tạo – thiết kế - phát triển - triển khai - cung ứng sản phẩm/dịch vụ.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013:
Nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013
Với chủ đề "Công nghệ thông tin - nền tảng của phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia", Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2013 hướng tới mục tiêu góp phần đổi mới tư duy, tăng cường nhận thức sâu sắc hơn ở các cấp, các ngành và toàn xã hội về quan điểm xác định CNTT là nền tảng cho phương thức phát triển mới, có tính tất yếu, hướng đến một xã hội tri thức, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần tạo sự tăng trưởng nhanh và bền vững.
Nội dung Thông điệp Diễn đàn năm 2013:
- Nâng cao nhận thức, quán triệt quan điểm công nghệ thông tin là một nền tảng của phương thức phát triển mới trong các cấp quản lý, các ngành kinh tế xã hội, trong mỗi doanh nghiệp và toàn xã hội. Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, kinh doanh và quản lý hướng tới mục tiêu nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia, coi đây là con đường ngắn nhất để Việt Nam tiến kịp các nước phát triển - tiến cùng thời đại.
- Xây dựng hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, ban hành chuẩn thông tin quốc gia bảo đảm khả năng kết nối liên thông, đồng bộ, chú trọng công tác an ninh, an toàn và bảo mật thông tin quốc gia.
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, làm chủ các bí quyết, giải pháp công nghệ mới. Ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin của từng ngành, lĩnh vực, từng địa phương, doanh nghiệp và của cả quốc gia.
- Xây dựng cơ chế chính sách tạo thuận lợi và hiệu quả cao nhất nhằm bảo đảm việc ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một yêu cầu tiên quyết trong mọi ngành, mọi lĩnh vực, mọi công trình, dự án đầu tư,… trong tiến trình phát triển.
- Tạo môi trường thuận lợi cho phát triển thị trường công nghệ thông tin, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và xây dựng năng lực canh tranh vươn ra thị trường nước ngoài.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là nguôn lực của người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển công nghệ thông tin.
- Phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội. Người đứng đầu tất cả các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về triển khai ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vì mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - ASOCIO 2014:
Các doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2014 nhận giấy chứng nhận tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - ASOCIO 2014
Năm 2014, VINASA đã lần thứ hai, sau lần đầu vào năm 2003, giành được quyền đăng cai tổ chức Diễn đàn Cấp cao CNTT Châu Á - Châu Đại Dương, sự kiện quốc tế thường niên lớn nhất, quan trọng nhất về CNTT - Viễn thông khu vực châu Á, châu Đại Dương, do Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) luân phiên tổ chức tại các quốc gia và nền kinh tế trong khối. VINASA đã kết hợp sự kiện tầm khu vực với Diễn đàn trong nước thành sự kiện: Vietnam-ASOCIO ICT Summit 2014. Với chủ đề "CNTT - Phương thức phát triển mới kinh tế, xã hội và tái cấu trúc nông nghiệp", Diễn đàn đã thảo luận về những nội dung nhằm thúc đẩy ứng dụng CNTT tạo phương thức phát triển mới trong nông nghiệp, đặc biệt là góp phần quan trọng tái cấu trúc nông nghiệp Việt Nam.
Nội dung Thông điệp Diễn đàn năm 2014:
- CNTT là phương thức phát triển mới, là động lực mạnh mẽ nhất và phổ biến nhất đối với tổng thể sự phát triển kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, và phúc lợi cho loài người. Chúng tôi khuyến nghị tất cả các nền kinh tế ở khu vực Châu Á và Châu Đại Dương hợp tác theo cách hỗ trợ, bổ sung cho nhau để thực hiện thành công sự chuyển đổi phương thức phát triển thông qua việc áp dụng CNTT ở mỗi nền kinh tế cũng như theo cách tập thể ở tất cả các nền kinh tế.
- CNTT đã phát triển đến mức tạo khả năng thực tế để cách mạng hóa sản xuất nông nghiệp và nâng cao sinh kế của nông dân nông thôn. Hơn một tỷ người ở khu vực Châu Á và Châu Đại dương là nông dân đang sống trong điều kiện rất khó khăn. Nền nông nghiệp cần được tái cơ cấu. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chính phủ xây dựng các chính sách phù hợp và ngân sách đầy đủ để đưa CNTT vào nông nghiệp nhằm cải thiện nền sản xuất và sinh kế của nông dân.
- Đô thị hóa là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ ở khu vực Châu Á - Châu Đại dương. Sự tập trung dân cư tạo ra sức ép rất lớn đối với tính hiệu quả của các dịch vụ công truyền thống. "Đô thị thông minh" được coi như giải pháp hiệu quả cho các thách thức của đô thị hiện đại và quá trình đô thị hóa. Chúng tôi khuyến nghị chính phủ và các ngành công nghiệp CNTT trong khu vực cùng nhau nỗ lực để biến công nghệ "thông minh" thành yếu tố không thể thiếu đối với các dịch vụ công của mình như trong ngành giao thông, y tế, giáo dục - đào tạo, các giao dịch ảo, và thương mại điện tử.
- Giá trị thực của công nghệ có được nhờ tính tích hợp. Mạng Xã hội (S), Các ứng dụng Di động (M), Phân tích Dữ liệu lớn (A) và Hạ tầng Đám mây (C), viết tắt là SMAC, là 4 trụ cột của công nghệ cho hôm nay và tương lai. Ngành công nghiệp CNTT của chúng ta có thể hợp tác để tích hợp công nghệ SMAC trong các ứng dụng trực tiếp phục vụ cho sáng kiến về nông nghiệp thông minh và đô thị thông minh của chúng ta.
- Châu Á và châu Đại dương kết hợp tạo ra thị trường lớn nhất thế giới về dân số và sức tiêu dùng. Ngành công nghiệp CNTT của chúng ta đứng đầu thế giới về cung cấp các dịch vụ CNTT sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài (outsourcing) và các sản phẩm phần cứng. Cộng đồng kinh tế ASEAN đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra các cơ hội kinh doanh to lớn cho tất cả các nền kinh tế thuộc ASOCIO. Chúng tôi kêu gọi sự nỗ lực riêng và chung nhằm xây dựng năng lực và sức mạnh của ngành công nghiệp của chúng ta để có thể thực hiện hiệu quả các hoạt động kinh doanh xuyên biên giới trong khu vực, đóng góp vào việc giảm thiểu nguy cơ hủy hoại môi trường sống, chống tội phạm trong không gian mạng và giải quyết các xung đột lợi ích trên cơ sở tôn trọng luật pháp và các cam kết quốc tế.
Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2015:
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam 2015
Diễn đàn năm 2015 được VINASA tổ chức với chủ đề "CNTT và quản trị thông minh" đã tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để ứng dụng hiệu quả CNTT trong việc quản trị các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là một số ngành, lĩnh vực đang "nóng" như: dịch vụ công; y tế, bảo hiểm, giao thông, đô thị và nguồn nhân lực CNTT.
Nội dung Thông điệp Diễn đàn năm 2015:
- CNTT là một thành tựu KHCN kỳ diệu của nhân loại, đem lại cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi quốc gia, mọi người dân, kể cả những người không may mắn, yếu thế như người khuyết tật, nông dân, người dân tộc ở vùng sâu vùng xa. Để thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin; tất cả phải cùng hành động và phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đột phá hơn và sâu rộng hơn trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức phát triển mới.
- Nhanh chóng nâng cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia; tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.
- Đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin phát triển giao thông thông minh, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và xây dựng đô thị xanh, tiện ích, an toàn, tiết kiệm các nguồn lực, đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại cho người dân.
Nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông ngành y tế, bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ với người dân mọi vùng miền, trên cơ sở chuẩn hóa qui trình quản lý y tế, hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, quản lý thuốc, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời đưa y tế trở thành ngành kinh tế dịch vụ giá trị cao gắn với du lịch.
- Cần có ngay giải pháp đột phá để tăng nhanh nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin mới là SMAC và IoT. Phấn đấu mức tăng trưởng về số lượng mỗi năm đạt 30%.
- Quyết liệt triển khai chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và cung cấp dịch vụ công; đồng thời tạo thị trường cho ngành CNTT. Nhanh chóng có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với lĩnh vực CNTT để khuyến khích, thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT.
- Đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong tái cấu trúc và phát triển nông nghiệp và du lịch.
- Việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tất cả các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!