Nhiều nguy hiểm rình rập trẻ em trên không gian mạng (Ảnh: Bộ Thông tin và Truyền thông)
Hiện nay, công nghệ số đã phát triển mạnh mẽ, trở thành môi trường học tập, làm việc và giải trí không thể thiếu trong đời sống. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà công nghệ mang lại, không ít những thách thức cũng xuất hiện, đặc biệt là vấn đề an toàn thông tin, quyền riêng tư và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Trẻ em đang phải đối mặt với hàng loạt những mối đe dọa trên không gian mạng như bắt nạt trực tuyến, tiếp cận thông tin không phù hợp, nghiện trò chơi điện tử, nghiện mạng xã hội…
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với trẻ em trên không gian mạng
Báo cáo "Đánh giá sự tham gia của trẻ em Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững (MSD) thực hiện khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trên cả nước cho thấy, 83,9% trẻ em có sử dụng điện thoại, trong đó điện thoại thông minh chiếm 76%. Cũng theo báo cáo này, 86,1% trẻ em được khảo sát có sử dụng mạng xã hội và 97% trẻ em được khảo sát sử dụng điện thoại từ 1 tiếng/ngày, trong đó gần 27% sử dụng điện thoại từ 5 tiếng/ngày. Mục đích sử dụng lớn nhất của các em là giải trí, chiếm 86%, bao gồm xem phim ảnh, nghe nhạc...
Theo Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC), có 5 mối nguy hại điển hình từ internet có thể tác động tiêu cực đến trẻ em, bao gồm: tiếp cận thông tin không phù hợp; bị phát tán thông tin riêng tư, thông tin cá nhân của trẻ; nghiện game, nghiện mạng xã hội, nghiện internet; bị bắt nạt trực tuyến; bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo…, ép tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Internet và mối nguy hại tác động tới trẻ (Nguồn: Mạng lưới Ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng)
Cụ thể, trẻ em có thể tiếp cận những nguồn thông tin không phù hợp như truy cập vào web đen có nội dung xấu, bị bạo lực mạng, nếu không được phát hiện sớm sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, sức khỏe thể chất và hành vi của trẻ. Một trong những nguyên nhân khiến trẻ em tiếp xúc với nhiều nội dung, chương trình không phù hợp là do phụ huynh cho con sử dụng thiết bị cùng với mình, đặc biệt là khi nhiều gia đình coi điện thoại thông minh hay các chương trình trên mạng là "bảo mẫu" cho trẻ em trong thời đại hiện nay.
Đồng thời, việc nhiều phụ huynh chia sẻ thông tin, hình ảnh của trẻ một cách vô tư, không kiểm soát trên mạng xã hội cũng dẫn tới nguy hại là các thông tin cá nhân của trẻ bị rò rỉ, phát tán trên môi trường mạng, có thể dẫn đến tác động tiêu cực cho các em.
Một mối nguy khác từ việc trẻ sử dụng Internet quá nhiều là các em có thể bị nghiện game, mạng xã hội và nghiện Internet. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, khoảng 70 - 80% số trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích chơi trò chơi điện tử trực tuyến (game online), trong đó, tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10 - 15%.
Trên không gian mạng, trẻ em còn có nguy cơ bị bắt nạt trực tuyến hoặc bị lôi kéo, dụ dỗ, quấy rối, lừa đảo, ép tham gia các hoạt động phi pháp.
Cụ thể hóa quy định bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Trong những năm gần đây, nhiều chương trình, hoạt động về bảo vệ, hỗ trợ trẻ em đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành triển khai. Tuy nhiên, chỉ đến khi Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành ngày 9/11/2024 và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, các quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng mới được cụ thể hóa và luật hóa một cách chặt chẽ.
Ông Đỗ Dương Hiển - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của Tổ chức ChildFund Việt Nam cho biết, các tổ chức quốc tế về bảo vệ trẻ em đánh giá rất cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý, sử dụng Internet nói chung và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng nói riêng.
Tại mục 3, chương 3 Nghị định 147 giúp siết chặt hơn đối với người chơi game, nhất là về độ tuổi, thời lượng chơi game, những quy định, cảnh báo, khuyến cáo đối với người chơi dưới 18 tuổi.
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông cho rằng: "Việc cảnh báo liên tục sẽ giúp người chơi nhận ra được những rủi ro về mặt sức khỏe như thế nào, qua đó giảm thiểu được những rủi ro".
Cùng quan điểm, ông Đỗ Dương Hiển nhấn mạnh: "Đối với trẻ em, nếu không được nhắc nhở thường xuyên và tuân thủ các quy định chặt chẽ, trẻ rất dễ sử dụng thiết bị liên tục cho đến khi hết pin hoặc điện thoại hết tiền. Vì vậy, cần phải có các giải pháp kỹ thuật để nhắc nhở trẻ tạm dừng trò chơi cho cơ thể được thư giãn, giúp mắt và tinh thần được nghỉ ngơi. Bên cạnh đó, cần có sự kết hợp với các quy định trong gia đình cũng như tại các cơ sở cung cấp dịch vụ Internet công cộng".
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho biết: "Chúng tôi đã đặt hàng các doanh nghiệp công nghệ phát triển bộ kết nối với đầu thu Internet của mỗi gia đình, giúp phụ huynh theo dõi và cài đặt thời gian chơi game của trẻ em. Khi sản phẩm này được bán rộng rãi, phụ huynh có thể cài đặt bộ thiết bị này trên đầu thu Internet của gia đình để quản lý việc sử dụng mạng của trẻ. Về phía doanh nghiệp, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tài khoản đã được định danh cho trẻ em. Nếu thời gian sử dụng vượt quá 60 phút, sẽ có hình thức xử phạt nghiêm".
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Ảnh: Bộ TT&TT)
Nghị định 147 được xem là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng không gian mạng an toàn và lành mạnh tại Việt Nam. Nghị định không chỉ củng cố khung pháp lý về bảo vệ trẻ em mà còn tạo tiền đề để thúc đẩy trách nhiệm xã hội từ các doanh nghiệp và tổ chức, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch, lành mạnh và bình đẳng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!