Vụ án sai phạm trục lợi trong đấu thầu mua sắm thiết bị y tế xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội vừa bị C03 Bộ Công an làm rõ mới đây, một lần nữa cảnh báo về tình trạng trục lợi ngân sách khi mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao để phục vụ mục đích khám chữa bệnh hiện nay.
Trước đây đấu thầu thuốc cũng có tình trạng tương tự nhưng hiện đã có quy định công khai giá trúng thầu thuốc, giá bán buôn, giá nhập khẩu dự kiến trên website chính thức của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế, nhờ đó các đơn vị đấu thầu và chấm thầu giá cao hơn giá công bố là bị phát hiện ngay. Vậy nhưng, hiện giá thiết bị y tế, vật tư y tế vẫn chưa bị bắt buộc công khai nên mức giá qua đấu thầu giữa các địa phương vẫn đang hết sức lộn xộn? Vậy giải pháp nào có thể áp dụng để giảm thiểu tiêu cực trục lợi trong mua sắm trang thiết bị y tế dùng tiền ngân sách?
Hệ thống thiết bị xét nghiệm khi nhập khẩu chỉ có giá 2,3 tỷ đồng nhưng khi Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội tổ chức đấu thầu mua sắm, giá trúng thầu đã được đẩy lên gấp 3 lần. Theo ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ có chuyện trục lợi như vậy vì trước khi trúng thầu, hệ thống thiết bị đã được mua bán lòng vòng qua nhiều đơn vị khác nhau khiến giá gốc bị đội lên nhiều tỷ đồng. Cũng giống như mặt hàng thuốc chữa bệnh, để giảm thiểu tiêu cực, giải pháp duy nhất lúc này, theo ông Đông là Bộ Y tế tổ chức đấu thầu mua sắm công tập trung nhằm mục đích cắt các tầng nấc trung gian để giảm chi phí, giảm giá thành.
Theo tìm hiểu, khi xây dựng dự toán gói thầu mua sắm thiết bị, khâu định giá được coi là khâu đầu tiên và quyết định đến toàn bộ quy trình mua sắm gói thầu có xảy ra tiêu cực để trục lợi hay không. Thực tế triển khai, có rất nhiều đơn vị chịu trách nhiệm và tham gia trong quy trình thẩm định giá, từ công ty định giá độc lập cho đến hội đồng thẩm định giá của địa phương. Vì vậy, theo ông Đặng Huy Đông, qua đấu thầu mà giá thiết bị y tế tăng gấp 2-3 lần so với giá nhập khẩu trên thị trường, rõ ràng là điều bất thường. Cơ quan công an cần phải điều tra làm rõ.
Theo quy định, kết quả đấu thầu bắt buộc phải được đăng tải công khai trên mạng lưới đấu thầu quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, gần như tỷ lệ các gói thầu thực hiện công bố công khai gần như rất ít. Ngoài mặt hàng thiết bị, vật tư y tế, một số chuyên gia cũng đề xuất, nên tổ chức đấu thầu mua sắm công tập trung đối với tất cả các mặt hàng, lĩnh vực khác khi sử dụng mua bán bằng tiền ngân sách nhà nước, để giảm thiểu tiêu cực và công khai minh bạch toàn bộ quá trình triển khai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!