Thời gian gần đây, cụm từ “hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế” xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Điển hình cho xu hướng này là vụ khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào vì lý do mở quán nhưng chưa có giấy phép và mới đây nhất là vụ công an Quận 10, TP. Hồ Chí Minh ra quyết định khởi tố một người dân mua bán điện thoại cũ về tội danh kinh doanh trái phép.
Những quyết định khởi tố này sau đó đã được cơ quan chức năng hủy bỏ. Nhiều cán bộ ra quyết định khởi tố và phê chuẩn quyết định khởi tố sai đã bị xử lý, kỷ luật, thậm chí bị cách chức. Điều này nhận được sự đồng tình của dư luận cả nước.
Tuy nhiên, xét trên khía cạnh bình diện quốc gia, nếu xu hướng lạm quyền để hình sự hóa hoặc phi hình sự hóa các quan hệ hành chính và kinh tế không được khắc phục thì lòng tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục bị giảm sút, đồng thời gây ra tâm lý bất an, hoang mang cho nhà đầu tư.
Tại Hội nghị Đối thoại với doanh nghiệp 2016 diễn ra vào tháng 4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của doanh nghiệp. Tinh thần lớn nhất của Chính phủ là không hình sự háo các quan hệ hành chính và kinh tế.
Làm thế nào để khắc phục xu hướng hình sự hóa và phi hình sự hóa trong giải quyết các quan hệ hành chính và kinh tế của các cơ quan tố tụng hiện nay là chủ đề chính được bàn luận trong Đối thoại chính sách. Để tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này, chương trình đã mời tới trường quay ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và ông Ngọ Duy Hiểu - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!