Một trong những sự cố hy hữu trong hoạt động lập pháp tại Việt Nam thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận là việc ban hành lệnh của Chủ tịch nước công bố Nghị quyết của Quốc hội về việc lùi hiệu lực thi hành Bộ luật hình sự 2015 và 3 đạo luật liên quan là Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, cơ quan chức năng vẫn cho phép áp dụng ngay những quy định có lợi cho người phạm tội để đảm bảo đối xử nhân đạo và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bộ luật hình sự năm 2015 được đưa ra sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung so với Bộ luật cũ, tuy nhiên, với khoảng thời gian ngắn kỷ lục giữa hai kỳ họp Quốc hội, Quốc hội khóa XIII biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự 2015 ngày 27/11/2015 với hơn 84% đại biểu tán thành. Mặc dù Bộ luật phải có hiệu lực từ 1/7/2016 nhưng do Bộ luật này đã bị phát hiện có tới hơn 90 vấn đề, điều khoản sai sót về nội dung, chính tả, câu chữ, Quốc hội buộc phải lùi thời hạn thi hành Bộ luật thêm một thời gian để khắc phục và sửa chữa những lỗi được xác định sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng luật và xử lý tội phạm.
Đây không phải là lần đầu tiên một dự án luật được Quốc hội thông qua mà chưa thi hành đã phải sửa đổi. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội đã phải sửa chữa trước thời điểm luật này có hiệu lực do những quy định chưa phù hợp với thực tiễn đời sống có thể gây hậu quả xã hội khó lường.
Qua những sự cố này, Quốc hội và các cơ quan soạn thảo luật sẽ rút ra được bài học kinh nghiệm như thế nào trong quá trình xây dựng và ban hành luật để khắc phục tình trạng luật chưa có hiệu lực đã phải sửa?
Để bàn luận sâu hơn về vấn đề này, chương trình Đối thoại chính sách đã mời tới trường quay ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; PGS, TS Dương Đăng Huệ - nguyên Vụ trưởng Vụ Dân sự, Bộ Tư pháp và Luật sư Nguyễn Thúy Hằng - Văn phòng Luật sư Địa Cầu.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.