Xác định rõ trách nhiệm về an toàn thực phẩm

Ban Thời sự/TTXVN-Thứ tư, ngày 03/01/2024 19:34 GMT+7

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận phiên họp. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Sáng 3/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được tiếp cận liên ngành, từ sớm từ xa. Các Bộ, ngành và từng địa phương phải phân định trách nhiệm rõ ràng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Phó Thủ tướng đã nhất trí với việc rà soát Luật An toàn thực phẩm và một số văn bản pháp luật vì có nhiều điểm không còn sát với thực tiễn. Trong năm nay cần hiện đại hóa hình thức thanh kiểm tra an toàn thực phẩm và sớm xây dựng Cơ sở dữ liệu về An toàn thực phẩm. Việc truyền thông cần được triển khai thường xuyên hơn để tăng cường hiểu biết cơ bản về chính sách pháp luật liên quan đến an toàn thực phẩm.

Xác định rõ trách nhiệm về an toàn thực phẩm - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VTTXVN

Phó Thủ tướng giao các cơ quan thành viên của Ban Chỉ đạo nghiên cứu về cách thức để người dân có thể tham gia giám sát, trên cơ sở đó, Nhà nước tiếp tục kiểm tra và công bố thông tin về an toàn thực phẩm.

Năm 2023, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm tiếp tục được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải.

Toàn ngành Y tế kiểm tra hơn 382.000 cơ sở, phát hiện 34,5 nghìn cơ sở vi phạm, trong đó, hơn 12.000 cơ sở bị phạt khoảng 44,4 tỷ đồng. Ngành Nông nghiệp thanh tra hơn 19,3 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính hơn 1,6 nghìn cơ sở với hơn 14,4 tỷ đồng. Ngành Công Thương kiểm tra hơn 8,3 nghìn vụ, xử lý hơn 6,77 nghìn vụ việc vi phạm, xử phạt 36,3 tỷ đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 31,6 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện, đấu tranh, xử lý hơn 7,1 nghìn vụ với hơn 7.000 đối tượng vi phạm, tổng số tiền phạt là hơn 31 tỷ đồng…

Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông được đẩy mạnh, tăng cường liên tục về số lượng, đa dạng hóa các hình thức truyền thông, thực hiện thường xuyên, liên tục. Ý thức chấp hành pháp luật của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ngày càng được nâng lên. Việc kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc đã giảm. Công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm được triển khai quyết liệt và đồng bộ. Toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2,1 nghìn người ngộ độc và 28 trường hợp tử vong, đáng chú ý đã xuất hiện ngộ độc do clostridium botulinum (độc tố rất hiếm gặp).

Cùng với kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế như: Sau 13 năm thực hiện, nhiều nội dung quy định của Luật An toàn thực phẩm không còn phù hợp với thực tiễn; Nghị định số 15/2018/NĐ-CP còn nhiều điều bất cập về quy định kiểm soát thực phẩm xuất khẩu, đăng ký bản công bố, điều kiện về an toàn thực phẩm tại các chợ và làng nghề… Quản lý, giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm trên môi trường internet, thương mại điện tử còn khó khăn…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước