Tiếp tục tham dự các phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ, sáng 24/9, trong bài phát biểu được ghi hình trước gửi đến Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của LHQ về Hệ thống lương thực thực phẩm do Tổng Thư ký LHQ António Guterres chủ trì, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định sự sẵn sàng của Việt Nam trở thành một "Trung tâm sáng tạo về lương thực thực phẩm" ở khu vực.
Tổng Thư ký LHQ và Lãnh đạo các nước đều nhấn mạnh cần phải tăng cường hợp tác đa phương nhằm thúc đẩy các giải pháp sáng tạo và thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ lương thực, thực phẩm để thực hiện được Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030 vì hiện nay vẫn đang có 800 triệu người thiếu đói, hàng triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng.
Chia sẻ với lãnh đạo các nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, tại Việt Nam, bảo đảm lương thực chính là nền tảng cho xóa đói nghèo, nâng cao đời sống người dân và là cơ hội để phát triển nông nghiệp theo hướng "minh bạch, trách nhiệm, bền vững".
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh của LHQ về Hệ thống lương thực. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Từ kinh nghiệm của Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất 6 giải pháp để chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm theo hướng bền vững.
- Bảo đảm phát triển nền nông nghiệp xanh, phát thải thấp và "thuận thiên", thích ứng với biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19.
- Đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, vừa phục vụ sản xuất và vừa phát triển kinh tế nông thôn.
- Phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.
- Khuyến khích sự tham gia của khối tư nhân trong đầu tư có trách nhiệm.
- Sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật.
- Nhân rộng mô hình hợp tác công - tư hiệu quả.
Nhiều mô hình bảo đảm lương thực thực tế ở Việt Nam có tên gọi chung là "Vườn nhà tôi", là những mô hình giàu tính sáng tạo trong Hệ thống về cùng chia sẻ giá trị, trách nhiệm, hành động và lợi ích. Chúng tôi sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm và kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để nhân rộng sáng kiến này.
Với quan điểm "Cùng nhau hành động", không gì là không thể để các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ trở thành hiện thực vào năm 2030, Chủ tịch nướcNguyễn Xuân Phúc đề nghị các quốc gia cần mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, dự báo và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo rủi ro về thiên tai, dịch bệnh đi cùng với quản lý bền vững các nguồn tài nguyên đất, rừng, nước, đa dạng sinh học, nguồn nước xuyên biên giới và tài nguyên biển. Đây là cơ sở để phát triển bền vững hệ thống lương thực thực phẩm.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!