Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch COVID-19

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 05/05/2021 06:25 GMT+7

VTV.vn - Trong công tác phòng chống dịch bệnh, vai trò của người đứng đầu các địa phương hết sức quan trọng.

Để dịch bùng phát như hiện nay và có nguy cơ còn phức tạp hơn nữa - có một phần trách nhiệm rất lớn của chính quyền một số địa phương và các cá nhân, tổ chức.

Trong cuộc họp ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm khắc phê bình, và yêu cầu các địa phương nghiêm túc kiểm điểm, chấn chỉnh công tác phòng chống dịch. Theo chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, các tỉnh/thành phố căn cứ hậu quả xảy ra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, xử lý theo quy định, trên tinh thần khách quan, công bằng, nghiêm minh.

Chủ tịch tỉnh Yên Bái vừa có quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trường Giang – Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái do có vi phạm trong quản lý khu cách ly tập trung. Trong vụ việc để xảy ra lây nhiễm từ chuyên gia Ấn Độ sang nhân viên khách sạn Như Nguyệt 2, TP Yên Bái, hàng loạt sai sót đã được cơ quan chức năng phát hiện như: không tuân thủ đầy đủ quy định phòng dịch, chưa có phòng đệm nếu phát hiện ca dương tính, chưa phân loại rác thải, nhân viên vào khu cách ly không mặc trang phục bảo hộ.

Trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều địa phương quyết liệt trong phòng chống dịch

Tỉnh Hà Nam cũng đã đưa ra phương án tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ y tế, gồm trạm trưởng trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc trung tâm y tế huyện Lý Nhân. Trạm trưởng trạm y tế xã Đạo Lý biết bệnh nhân 2899 có ho sốt nhưng chưa xử lý, giải quyết kịp thời, gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Trước mắt kiểm điểm trách nhiệm, sau đó sẽ rà soát để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Đồng Nai, liên quan vụ 3 đối tượng Trung Quốc bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung số 2 đóng tại xã Thanh Phú, huyện Vĩnh Cửu, hôm nay, chủ tịch tỉnh này đã có công văn yêu cầu các đơn vị chức năng khẩn trương đề xuất xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Trong cuộc họp thường kỳ tháng 4 sáng nay, chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã nghiêm túc nhận khuyết điểm sau khi bị Thủ tướng phê bình, nhắc nhở, do còn có những hạn chế, thiếu sót trong phòng chống dịch dịp nghỉ lễ vừa qua. Khánh Hòa đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tăng cường kiểm tra, rà soát, bổ sung năng lực các khu cách ly, cơ sở điều trị.

Thực tế đã cho thấy, chỉ 1 ca nhiễm bệnh xuất hiện trong cộng đồng cũng đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Áp lực dịch bệnh đối với cả nước là rất lớn. Trong công tác phòng chống dịch bệnh, vai trò của người đứng đầu các địa phương hết sức quan trọng. Bởi những chỉ đạo, quyết sách có đúng đắn, kịp thời, thì hành động mới thống nhất, hiệu quả. Đây là bài học thực tế tại Đà Nẵng và Vĩnh Phúc - hai địa phương đã có những phản ứng thẳng thắn, quyết liệt khi dịch bệnh vừa bùng phát.

Tại cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác phòng chống dịch diễn ra vào hôm 3/5, TP Đà Nẵng đã kiểm điểm những tồn tại hạn chế đối với một số cá nhân, đơn vị. Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thành phố rà soát lại chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và cá nhân. Lãnh đạo một số địa phương trong thành phố chưa nắm được công việc phải làm đã bị phê bình thẳng thắn. Chủ trương của thành phố: nhiệm vụ phòng chống dịch là của cả hệ thống chính trị, chứ không của riêng một ngành nào, đơn vị nào.

TP Đà Nẵng đã sẵn sàng kịch bản cho trường hợp dịch bệnh bùng phát và lây lan. Mục tiêu trước mắt là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho kỳ bầu cử sắp tới.

Tại Vĩnh Phúc, đến thời điểm hiện tại đã có 15 ca mắc COVID-19, đều liên quan đến đoàn chuyên gia Trung Quốc từng được cách ly ở Yên Bá. Vĩnh Phúc thực hiện kiên định nguyên tắc "Ngăn chặn - Phát hiện - Cách ly - Khoanh vùng và Dập dịch" theo phương châm 4 tại chỗ. Riêng tại địa bàn bùng phát dịch bệnh là thành phố Vĩnh Yên, hiện đã có 14 chốt kiểm soát dịch bệnh được thành lập.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có gần 440 trường hợp F1 được cách ly tập trung, gần 1.000 trường hợp F2 và F3 được cách ly tại nhà. Riêng TP Vĩnh Yên đã lấy hơn 1.500 mẫu xét nghiệm, tiếp tục truy vết những trường hợp có liên quan

Để triển khai đồng thời các biện pháp ngăn chặn dịch, một mình lực lượng y tế làm không xuể. Sự quyết liệt vào cuộc của các địa phương là một yếu tố quan trọng. Bên cạnh đó cần có sự tiếp sức của cộng đồng, tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong phòng chống dịch. Một mô hình ra đời trong những đợt dịch trước, nay lại có cơ hội phát huy, đó là tổ COVID-19 cộng đồng. Một số địa phương đã cho kích hoạt lại các tổ COVID-19 cộng đồng, trong khi ở những nơi khác, mô hình này vẫn đang tiếp tục hoạt động hiệu quả/ dù đợt dịch trước đã qua.

Chỉ tính riêng ở huyện Kim Thành, Hải Dương đã có hơn 750 tổ COVID-19 cộng đồng, qua giám sát các ca bệnh trên địa bàn và trường hợp ho, sốt các tổ COVID-19 đã phát hiện được hơn 300 trường hợp nghi ngờ.

Từ Sơn Lôi đến Đà Nẵng và nay là Hải Dương, tổ COVID-19 cộng đồng đã phát huy được hiệu quả và mỗi nơi lại có một cách thức làm mới phù hợp với tình hình và thực tế của từng địa phương.

Phát huy được sức mạnh toàn dân, phát huy sự sáng tạo và độc đáo của Việt Nam trong phòng chống dịch - đây là những yếu tố khiến Việt Nam đã vượt qua những đợt dịch trước thành công, mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước