Sáng nay (19/6), Quốc hội thảo luận phiên toàn thể về Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, giai đoạn 2025-2035.
Các đại biểu đều bày tỏ sự cần thiết phải có chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh: "Để tăng tính khả thi và hiệu quả của chương trình, cần phải xác định hệ giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc. Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư tại hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, có nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa Mác Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đóng vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội".
Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn tỉnh Đồng Nai) nêu ý kiến: "Hôm nay, Quốc hội đang thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia, không phải thảo luận về chương trình tổng thể hay kế hoạch tổng thể về văn hóa. Cho nên đã là Chương trình mục tiêu quốc gia cần phải bám sát Luật Đầu tư công, đúng ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia để chúng ta thảo luận đưa ra quyết định. Trên tinh thần đó, tôi đề xuất những chỉ tiêu chưa rõ về mặt căn cứ thì chúng ta nên rà soát lại để thực sự phù hợp".
Đại biểu Trịnh Xuân An - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn tỉnh Hưng Yên) thì cho biết: "Dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 là 122.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là vốn ngân sách trung ương và vốn ngân sách địa phương đóng vai trò chủ đạo. Trong bối cảnh hiện nay, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo tiến hành rà soát tổng mức đầu tư gắn với mục tiêu, nhiệm vụ thứ tự ưu tiên thực hiện, tránh đề xuất quá cao so với khả năng thực hiện gây lãng phí".
Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn tỉnh Hưng Yên)
Một số đại biểu cho rằng không nên đặt mục tiêu cụ thể về đầu tư các trung tâm văn hóa ở nước ngoài khi nguồn lực còn hạn chế, đồng thời đề nghị chương trình cần được thảo luận và thông qua hai kỳ họp Quốc hội để đảm bảo chất lượng và khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!