Quốc hội khóa I và dấu ấn của 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên

Theo Hội đồng bầu cử Quốc gia-Thứ bảy, ngày 08/05/2021 16:26 GMT+7

VTV.vn - Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo giới trí thức trong cả nước, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%).

Trải qua 75 năm với rất nhiều những thăng trầm của đất nước, hàng nghìn vị đại biểu Quốc hội đã được bầu ra để đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Nhìn lại quãng thời gian 14 khóa Quốc hội, ký ức về cuộc bầu cử và những vị đại biểu Quốc hội đầu tiên lại trở nên sống động hơn bao giờ hết.

Năm 1945, ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định trong các sắc lệnh thời đó: là cần phải sớm thành lập một cơ quan dân cử, để nhân dân cả nước thực sự hưởng chế độ dân chủ, thực hiện quyền làm chủ đất nước của mình. Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử và ngày 29/9/1945, Chính phủ lâm thời ban hành Sắc lệnh số 51-SL quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử. Những sắc lệnh liên tiếp ra đời đã thể hiện tầm quan trọng và sự gấp rút của Chính phủ lâm thời để bầu ra những người đủ chí, đủ tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Quốc hội khóa I và dấu ấn của 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên - Ảnh 1.

Cử tri bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I

Trong tình hình kinh tế - xã hội vô cùng khó khăn khi ấy, quân và dân ta phải gồng mình đối phó với thù trong giặc ngoài, vậy nhưng ngay khi nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tất cả quốc dân đồng bào đã nô nức tham gia ngày hội của toàn dân với tâm thế hào hứng và tràn đầy kỳ vọng. Đó là sự kỳ vọng vào một đội ngũ lãnh đạo thực chất, thực tài, gánh vác, chèo lái đất nước vững vàng trong cuộc kháng chiến sắp tới và hơn hết đó còn là sự kỳ vọng vào một tương lai hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước.

Cuộc Tổng tuyển cử 6/1/1946 diễn ra trong hoàn cảnh nhiều biến động, khó khăn nhưng đã thành công vang dội, thành lập được Quốc hội Việt Nam và bầu ra những người đại biểu của nhân dân. Tất cả 71 tỉnh, thành phố có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Cả nước bầu được 333 đại biểu, trong đó Hà Nội có 7 đại biểu, ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh, 6 người khác còn lại đều là các trí thức nổi tiếng: Hoàng Văn Đức, Vũ Đình Hòe, Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Luyện, Nguyễn Thị Thục Viên, Chu Bá Phượng. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn có 5 đại biểu cũng gồm những nhân sĩ, trí thức: Huỳnh Văn Tiểng, Lý Chính Thắng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Trấn, Hoàng Đôn Văn. Ngoài ra, còn hàng loạt các tên tuổi trí thức nổi tiếng khác, như Lê Trung Đình (Thái Nguyên); Dương Đức Hiền, Nguyễn Huy Tưởng (Bắc Ninh); Đào Trọng Kim, Khuất Duy Tiến (Sơn Tây); Cù Huy Cận, Đỗ Đức Dục, Nguyễn Đỗ Cung, Bùi Bằng Đoàn, Hoàng Minh Giám, Hoàng Tích Trí (Hà Đông); Ngô Xuân Diệu (nhà thơ Xuân Diệu - Hải Dương); Bồ Xuân Luật, Nguyễn Mạnh Hà (Hưng Yên); Y Ngông Niê Kdăm (Đắk Lắk); Huỳnh Tấn Phát (Mỹ Tho); Phạm Văn Bạch (Bến Tre); Nguyễn Văn Hưởng (Long Xuyên); Trần Công Tường (Gò Công); Cao Triều Phát (Bạc Liêu)...

Quốc hội khóa I và dấu ấn của 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên - Ảnh 2.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I

Có thể khẳng định rằng, mặc dù khi người Pháp đô hộ, phần đông dân số Việt Nam mù chữ và mới chỉ thoát mù sau Bình dân học vụ của Chính phủ mới, nhưng Quốc hội khóa I đã quy tụ được đông đảo giới trí thức trong cả nước, trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh trúng cử với số phiếu cao nhất (98,4%). Trong số 333 đại biểu trúng cử Quốc hội khóa đầu tiên năm 1946, có đến 11% là các nhà tư sản. Có thể thấy, sự có mặt với tỷ lệ khá cao trong Quốc hội sau khi nước nhà giành độc lập đã chứng tỏ lòng nhiệt tình, khao khát được đóng góp với đất nước, với chế độ mới; đồng thời cũng cho thấy uy tín không nhỏ của giới công thương đối với dân chúng và kỳ vọng của Chính phủ vào khả năng đóng góp về tinh thần và vật chất của họ...

Ngay khi được bầu ra, đêm 31/10/1946 đã diễn ra cuộc chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa I. Thời điểm đó là thời gian diễn ra kì họp thứ 2 – Quốc hội khóa I, một Quốc hội non trẻ mới hoạt động được vài tháng. Thế nhưng, một cuộc chất vấn sôi nổi, dân chủ giữa Đại biểu Quốc hội với Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chính Minh về tất cả các vấn đề liên quan đến đời sống của nhân dân, đến chính sách đối nội và đối ngoại đã diễn ra. Điều đặc biệt nhất của cuộc chất vấn ấy, đó là trong bối cảnh đầy khó khăn và căng thẳng, hơn 300 Đại biểu Quốc hội đầu tiên đã tập trung để thảo luận sôi nổi từ chiều 31/10 đến 1 giờ sáng ngày hôm sau 1/11/1946. Thông qua những người đại biểu đại diện cho mình, cử tri Việt Nam lần đầu tiên có quyền đòi hỏi Chính phủ phải trả lời về các công việc mà Chính phủ đã làm.Tất cả những vấn đề nóng nhất đã được các đại biểu thẳng thắn thảo luận. Các đại biểu Quốc hội đã đứng lên chất vấn những công việc mà nhân dân đã ủy nhiệm cho Chính phủ gánh vác.

Quốc hội khóa I và dấu ấn của 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên - Ảnh 3.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa I tại Nhà hát Lớn Hà Nội

Trải qua 75 năm hoạt động, phát triển, Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đổi thay quan trọng, đặc biệt là đối với hoạt động chất vấn, tuy nhiên, cuộc chất vấn đầu tiên của 333 Đại biểu Quốc hội khóa I vẫn mang những dấu ấn riêng, vẫn giữ nguyên một giá trị lịch sử quan trọng trong hoạt động của Quốc hội Việt Nam, đánh dấu một bước trưởng thành của hoạt động Quốc hội.

Quốc hội khóa I và dấu ấn của 333 đại biểu Quốc hội đầu tiên - Ảnh 4.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước