Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng lần thứ 8, Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 10, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 11 và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 8/11 đã thành công tốt đẹp. Chuyến công tác đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế, uy tín, vai trò ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh chương trình hợp tác tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 8 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Đây là lần đầu tiên sau 6 năm, 3 hội nghị được tổ chức trực tiếp trở lại, là dịp để các nhà lãnh đạo thảo luận, quyết định những định hướng hợp tác cho tiểu vùng Mekong trong kỷ nguyên phát triển mới. Tại các hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có bài phát biểu, đưa ra những thông điệp quan trọng của Việt Nam để xây dựng cộng đồng Mekong đoàn kết, vững mạnh, năng động, sáng tạo và phát triển bền vững. Trong đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng, Thủ tướng đề nghị tập trung phát triển các hành lang kinh tế thế hệ mới, với 3 nội hàm chính đó là: hành lang của công nghệ và đổi mới sáng tạo; hành lang của tăng trưởng kinh tế và hành lang xanh, bền vững, bao trùm. Tại Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong, Thủ tướng nêu "6 gắn kết" để hợp tác này phát triển bứt phá, thực chất, gồm: gắn kết tư duy với hành động; gắn kết giữa các động lực tăng trưởng truyền thống với các động lực mới; gắn kết tăng trưởng nhanh với phát triển bền vững; gắn kết quốc gia với khu vực và quốc tế; gắn kết Chính phủ với người dân, doanh nghiệp và gắn kết giữa phát triển với bảo đảm an ninh, an toàn. Còn tại Hội nghị Cấp cao Hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam, Thủ tướng đề xuất phương châm "3 cùng" cho hợp tác 4 nước, đó là: cùng quyết tâm xây dựng cơ chế hợp tác ngày càng hiệu quả, thực chất; cùng phối hợp thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới và cùng phối hợp tranh thủ sự tham gia, đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác phát triển. Tại các hội nghị, Thủ tướng đều nhấn mạnh quan điểm "Coi trọng thời gian, coi trọng trí tuệ, coi trọng đoàn kết và hợp tác, phải đổi mới để bứt phá, sáng tạo để vươn xa, hội nhập để tiến lên".
Thủ tướng đề xuất 6 nội dung để hợp tác ACMECS bứt phá tại Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 10 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 11 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chuyến công tác tại Trung Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang trên đà phát triển rất tích cực, cả về chất và lượng sau khi hai bên nhất trí nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai có ý nghĩa chiến lược. Thủ tướng đã có chương trình làm việc hết sức phong phú, với 19 hoạt động song phương. Đặc biệt, Thủ tướng đã có hội đàm quan trọng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường; cùng Thủ tướng Lý Cường chứng kiến Lễ trao đổi công hàm thành lập Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Trùng Khánh; hội kiến Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, hội kiến Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam và tiếp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Tại cuộc hội đàm, hai Thủ tướng đã chuyển lời thăm hỏi chân thành và tình cảm hữu nghị tốt đẹp dành cho nhau giữa Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Cường, Ủy viên trưởng Nhân đại Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Chính hiệp Vương Hộ Ninh. Hai bên đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc tiếp tục triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung cấp cao, thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng hiệu quả, thực chất trên các lĩnh vực. Hai bên nhất trí phát huy thế mạnh bổ trợ lẫn nhau, tập trung kết nối hạ tầng chiến lược, triển khai những dự án lớn, biểu tượng hợp tác mới của quan hệ Việt - Trung; tạo thuận lợi và mở cửa hơn nữa cho hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam, trong đó có hàng nông sản; xây dựng và duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực.
Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành nhiều quan tâm, thúc đẩy hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Tại các cuộc gặp, tọa đàm với các doanh nghiệp hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, đường sắt, hàng không, xây dựng hạ tầng, Thủ tướng nhắc lại mối quan hệ "núi liền núi, sông liền sông, đường liền đường, biển liền biển", "vừa là đồng chí, vừa là anh em" giữa Việt Nam - Trung Quốc, khẳng định hai bên có rất nhiều điều kiện, cơ hội để thúc đẩy hợp tác với nền tảng chính trị vững chắc, nền tảng văn hóa tương đồng, nền tảng pháp lý thuận lợi, nền tảng thị trường rộng mở. Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác đầu tư kinh doanh, phát huy vai trò kết nối 2 nền kinh tế, cả về kết nối cứng, kết nối mềm, góp phần cụ thể hóa các thỏa thuận, cam kết, nhận thức chung của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, cùng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho hai nước và nhân dân hai nước.
Một điểm nhấn quan trọng trong chuyến công tác của Thủ tướng là thúc đẩy kết nối hạ tầng đường sắt Việt Nam - Trung Quốc, góp phần tạo đột phá cho hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, mở ra hành lang thương mại mới, không chỉ kết nối Việt Nam - Trung Quốc mà cả ASEAN và Trung Á và châu Âu. Trong hội đàm, hội kiến, trao đổi với các nhà lãnh đạo và các tập đoàn, doanh nghiệp Trung Quốc, Thủ tướng đề nghị hai bên đẩy nhanh hợp tác triển khai 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối hai nước là Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng, đề nghị phía Trung Quốc hỗ trợ về vốn vay ưu đãi, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong việc thực hiện các dự án này, đồng thời góp phần nâng cao năng lực, phát triển ngành công nghiệp đường sắt của Việt Nam.
Chuyến công tác của Thủ tướng không chỉ thúc đẩy kết nối trong hiện tại mà còn khẳng định sự trân trọng những sợi dây liên hệ trong lịch sử hào hùng của hai dân tộc. Tại TP Trùng Khánh và tỉnh Vân Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã đến thăm 2 khu di tích lịch sử - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng sống và hoạt động cách mạng những năm 1939 - 1940 trước khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Thủ tướng cảm ơn 2 địa phương đã trân trọng gìn giữ các di tích liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhấn mạnh đây là những "địa chỉ đỏ", minh chứng cho truyền thống đoàn kết, gắn bó của cách mạng hai Đảng, hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Cũng trong chuyến công tác, tham dự 2 sự kiện giới thiệu, quảng bá văn hóa - du lịch Việt Nam tại Vân Nam và Trùng Khánh, Thủ tướng đề nghị hai nước tiếp tục đẩy mạnh hợp tác văn hóa, du lịch - điểm sáng nổi bật trong quan hệ song phương thời gian qua, với phương châm 20 chữ "liên kết chặt chẽ; phối hợp nhịp nhàng; hợp tác sâu rộng; bao trùm, toàn diện; hiệu quả, phù hợp".
Nhân dịp dự các hội nghị đa phương tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc gặp chân tình với Thủ tướng Lào và Thủ tướng Campuchia, trao đổi sâu rộng về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương và ba nước trong giai đoạn phát triển mới trên tinh thần tin cậy, đoàn kết gắn bó và thông hiểu lẫn nhau.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc lần này đã thành công tốt đẹp, trên cả bình diện song phương và đa phương, mang lại những kết quả rất cụ thể, thực chất. Không chỉ thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế, chuyến công tác còn thúc đẩy kết nối văn hóa - du lịch, nhân dân hai nước; kết nối về tư duy, tầm nhìn phát triển. Không chỉ thúc đẩy kết nối giữa hai nước mà còn kết nối giữa hai nước với các nước tiểu vùng Mekong mở rộng, kết nối thúc đẩy các hành lang kinh tế mới vươn xa hơn với những đề xuất, sáng kiến được các Hội nghị ghi nhận, đánh giá cao và đưa vào các văn kiện của hội nghị.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!