Thảo luận về dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định cần có ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra, tuy nhiên trong điều kiện thực tế hiện nay, chỉ ghi âm, ghi hình trong một số trường hợp nhất định.
Theo nhiều đại biểu, hàng năm cơ quan điều tra tiến hành hơn 100.000 vụ án với hơn 100.000 đối tượng, mỗi vụ án, việc hỏi cung phải tiến hành ít nhất 5 lần với hàng tiếng ghi âm, ghi hình, do vậy, việc ghi âm, ghi hình toàn bộ các cuộc hỏi cung là không thực tế. Ngoài ra, chưa kể nếu tiến hành ghi âm, ghi hình toàn bộ các cuộc hỏi cung, việc đầu tư trang thiết bị cho các phòng hỏi cung cơ sở tạm giam tạm giữ cũng lên tới hơn trăm ngàn tỷ đồng. Băn khoăn trước việc sử dụng tài liệu ghi âm, ghi hình này có được coi là chứng cứ để chuyển sang tòa án và nếu cơ quan điều tra không thực hiện ghi âm, ghi hình thì có phải hủy vụ án, một số đại biểu cho rằng nếu quy định ghi âm, ghi hình thì tất cả những vấn đề này cũng phải được ghi rõ trong luật.
Để phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số đại biểu đề nghị Bộ luật chỉ nên quy định ghi âm, ghi hình trong các trường hợp tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, các trường hợp có dấu hiệu oan sai, bị can không nhận tội để tránh bức cung nhục hình, bảo đảm khách quan minh bạch cho quá trình điều tra.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.