Một trong những nội dung đáng chú ý trong ngày làm việc thứ 13 kỳ họp thứ 10 (ngày 4/11) là Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Báo chí (sửa đổi).
Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) được xây dựng nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về báo chí; tính khả thi của các quy định pháp luật về báo chí trong điều kiện chính trị, kinh tế-xã hội và hoạt động báo chí ở Việt Nam.
Luật Báo chí (năm 1989) gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí (năm 1999) có 36 điều. Dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) gồm 6 chương với 60 điều, trong đó có 31 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành.
* Cũng trong chương trình làm việc buổi sáng, Quốc hội sẽ thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi).
Luật Thống kê được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2003 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2004.
Sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê; tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê; khẳng định vai trò quan trọng của công tác thống kê, địa vị pháp lý của cơ quan thống kê, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác thống kê.
Nhờ vậy, thông tin thống kê đã góp phần giúp Đảng, Quốc hội và Chính phủ hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế-xã hội và giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế-xã hội đất nước.
Tuy nhiên, Luật Thống kê 2003 cũng đã bộc lộ những bất cập so với yêu cầu ngày càng cao của công tác phân tích, hoạch định và điều hành chính sách trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Điều này đòi hỏi cần sớm sửa đổi Luật để giải quyết những tồn tại vướng mắc trong hoạt động thống kê hiện nay, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác thống kê trong tiến trình đổi mới, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
* Cũng trong ngày làm việc hôm nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; xây dựng và đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020.