Ngày 25/10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm

VTV News-Thứ tư, ngày 25/10/2023 06:50 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Hôm nay (25/10), Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 chức danh bằng bỏ phiếu kín. Toàn bộ kết quả lấy phiếu sẽ được công khai.

Ngày 25/10, Quốc hội tiếp tục tiến hành các quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Trước đó, chiều 24/10, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 44 người được lấy phiếu tín nhiệm.

Trong sáng 25/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sau đó, Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Buổi chiều, Ban Kiểm phiếu báo cáo kết quả kiểm phiếu.

Tổng Thư ký Quốc hội – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Toàn bộ kết quả lấy phiếu sẽ được công khai. Văn phòng Quốc hội sẽ có thông báo chính thức về kết quả lấy phiếu.

Danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm:

1. Bà Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

2. Ông Vương Đình Huệ - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

3. Ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội.

4. Ông Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Quốc hội.

5. Ông Nguyễn Đức Hải - Phó Chủ tịch Quốc hội.

6. Ông Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội.

7. Bà Nguyễn Thúy Anh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

8. Ông Dương Thanh Bình - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

9. Ông Bùi Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

10. Ông Vũ Hải Hà - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

11. Ông Y Thanh Hà Niê K'Đăm - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

12. Ông Lê Quang Huy - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

13. Bà Lê Thị Nga - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

14. Ông Vũ Hồng Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

15. Bà Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội.

16. Ông Lê Tấn Tới - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

17. Ông Hoàng Thanh Tùng - Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

18. Ông Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

19. Ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

20. Ông Lê Minh Khái - Phó Thủ tướng Chính phủ.

21. Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương.

22. Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.

23. Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

24. Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ.

25. Ông Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

26. Ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn.

27. Bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

28. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

29. Ông Nguyễn Văn Hùng - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

30. Bà Đào Hồng Lan - Bộ trưởng Bộ Y tế.

31. Ông Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an.

32. Ông Hầu A Lềnh - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

33. Ông Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

34. Ông Nguyễn Thanh Nghị - Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

35. Ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ.

36. Ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính.

37. Ông Nguyễn Kim Sơn - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

38. Ông Bùi Thanh Sơn - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

39. Ông Trần Văn Sơn - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

40. Ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

41. Bà Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

42. Ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

43. Ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

44. Ông Ngô Văn Tuấn, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Cũng trong ngày 25/10, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Căn cước. Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tại Kỳ họp thứ 5, các vị ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật; đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật và góp ý nhiều vấn đề cụ thể. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo dự án Luật và các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.

Tại phiên họp thứ 25, UBTVQH đã xem xét, cho ý kiến về dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến ĐBQH và chỉ đạo Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh nghiên cứu, tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật gửi xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan hữu quan.

Tại họp báo trước kỳ họp, ông Trịnh Xuân An, Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, Chính phủ đề xuất đổi tên dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) thành Luật Căn cước và đa phần các ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đồng tình lấy tên là Luật Căn cước.

Trước thắc mắc nếu sửa tên luật, thay tên thẻ thì có gây tác động với người dân hay không, ông An cho biết Điều 46 của dự luật sẽ có quy định để không gây ảnh hưởng, chỉ thay đổi căn cước nếu công dân có yêu cầu.

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Viễn Thông (sửa đổi)

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Viễn Thông (sửa đổi). Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Luật Viễn thông (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 5. Ngay sau kỳ họp, UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH,CN&MT chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Thông tin và Truyền thông) và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Tại Phiên họp thứ 25 của UBTVQH và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách, dự thảo Luật đã được thảo luận, cho ý kiến. Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) gồm 10 chương, 73 điều.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước