Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6

PV-Thứ sáu, ngày 14/07/2023 18:47 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10/2023. Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Chiều 14/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo Tổng kết Kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Báo cáo Tổng kết kỳ họp thứ 5, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh chương trình kỳ họp được bố trí khoa học, hợp lý, tiếp tục được đổi mới; lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp 2 đợt trực tiếp với việc dành khoảng một tuần giữa 2 đợt họp đã tạo điều kiện cho các cơ quan hoàn thiện kỹ lưỡng, chất lượng các nội dung trước khi trình Quốc hội thông qua, các vị đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm có thời gian giải quyết công việc ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Việc bổ sung nội dung vào chương trình kỳ họp kịp thời, phù hợp, không làm tăng thêm thời gian kỳ họp và nhận được sự đồng thuận cao của Quốc hội.

Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch khoa học, linh hoạt; phát huy được tính dân chủ, tinh thần trách nhiệm, trí tuệ của đại biểu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả phiên họp.

Các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm thi hành các luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, sớm ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, góp phần đưa luật, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống. Trong đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay (dự kiến ngày 21/8/2023), Hội nghị tổng kết công tác giám sát năm 2023 và triển khai chương trình giám sát năm 2024 của Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội thường xuyên giám sát việc thi hành luật, nghị quyết …

Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 - Ảnh 2.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6, ông Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến kỳ họp khai mạc vào thứ Hai, ngày 23/10/2023 và bố trí 2 đợt họp. Dự kiến bố trí 11,25 ngày cho công tác lập pháp; 11 ngày cho các vấn đề quan trọng; 1,5 ngày cho khai mạc, bế mạc, thông qua luật, nghị quyết và dự phòng.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 8 dự án luật khác. Quốc hội cũng xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023 và 2024; Xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công; xem xét các báo cáo về việc thực hiện một số Nghị quyết về giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4; giám sát chuyên đề tối cao và các vấn đề quan trọng khác; trong đó, Quy hoạch không gian biển quốc gia là nội dung cần được trình Quốc hội xem xét quyết định để đáp ứng yêu cầu tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022...

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Thời gian dành cho việc lấy phiếu tín nhiệm dự kiến nửa ngày làm việc, gồm cả việc thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội và lấy phiếu tín nhiệm tại hội trường.

Quốc hội cũng sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Về thời gian họp, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu 2 phương án:

Phương án 1: Quốc hội nghỉ khoảng 1,5 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 30/11/2023. Theo đó, đợt 1 diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 17/11. Đợt 2 từ ngày 27/11 đến sáng 30/11.

Phương án 2: Quốc hội nghỉ khoảng 2 tuần giữa 2 đợt họp và dự kiến bế mạc vào thứ Năm, ngày 7/12. Theo đó, đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 17/11. Đợt 2 từ ngày 4/12 đến sáng ngày 7/12.

Tại phiên họp, đa phần các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc tổ chức kỳ họp theo 2 đợt theo phương án 1.

Quốc hội dự kiến tiến hành lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6 - Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu

Phát biểu điều hành Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, ý kiến của cử tri, Nhân dân cả nước, dư luận xã hội và tình hình thực tế, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã xây dựng báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến, sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý hoàn thiện báo cáo, nhất là nhấn mạnh kết quả đạt được, điểm nổi bật, điểm mới, cần nghiên cứu, áp dụng trong thực tiễn; cho ý kiến về những nội dung nào cần tiếp tục rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành cho ý kiến về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Ngoài các nội dung đã thành thông lệ trong kỳ họp cuối năm như cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách, báo cáo của các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm lập danh mục bổ sung vào Chương trình Kỳ họp Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu; phương án sửa đổi thuế thu nhập doanh nghiệp; báo cáo đánh giá kết quả rà soát hệ thống pháp luật…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước