Lãng phí như một căn bệnh, có thể nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 02/06/2022 16:34 GMT+7

VTV.vn - Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, qua đó củng cố lòng tin của nhân dân.

Gắn thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 2/6, các đại biểu đã đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh (Nghệ An) cho biết, kết quả của công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã góp phần quan trọng trong phát huy, quản lý sử dụng tối đa hiệu quả các nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân.

Lãng phí như một căn bệnh, có thể nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An Võ Thị Minh Sinh phát biểu.

Đại biểu nêu rõ, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký và ban hành quyết định sửa đổi tên của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng thành Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bộ Chính trị cũng đã có kết luận về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực và đánh giá thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều hạn chế. Lãng phí trong các cơ quan nhà nước và trong xã hội còn rất nghiêm trọng. Tình trạng bộ nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp chưa được ngăn chặn kịp thời.

Với mệnh đề "tiêu cực", qua rà soát thì các văn bản pháp luật cho thấy có hơn 1.000 hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức cả về hành chính cũng như hình sự.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An đề nghị Chính phủ cần thống nhất cao quan điểm, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải gắn bó chặt chẽ về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Bà Võ Thị Minh Sinh cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm "tiền phòng, hậu kiểm" được Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu.

Ngoài ra, đại biểu tỉnh Nghệ An cũng cần bổ sung thêm nội dung về tiêu cực trong hệ thống giải pháp của báo cáo Chính phủ. Trong đó, đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa quản lý, gắn thực hành tiết kiệm chống lãng phí với đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế phòng ngừa tham nhũng lãng phí tiêu cực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Khẩn trương rà soát khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật về tham nhũng. tiêu cực trong những lĩnh vực nhạy cảm như đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán....

"Mong Chính phủ sớm có lộ trình cụ thể để ban hành các cơ chế này nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, mang lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, tiếp tục củng cố lòng tin của nhân dân trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng chống tham nhũng, tiêu cực" – bà Võ Thị Minh Sinh nhấn mạnh

Lãng phí làm thất thoát nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng niềm tin nhân dân

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thủy (Tây Ninh) cũng cho rằng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được một số kết quả quan trọng, nhất là trong tiết kiệm chi thường xuyên ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị. Công tác sắp xếp tổ chức bộ máy tinh chế hoàn thành vượt mục tiêu tinh giảm biên chế 10%.

Tuy nhiên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, báo cáo phản ánh chưa hết bản chất của tiết kiệm như kết quả tiết kiệm chi thường xuyên. Số tiền tiết kiệm từ đấu thầu, đấu giá chưa thể yên tâm, chất lượng thực hiện thấp, chất lượng thực hiện hiệu quả thấp, thời gian kéo dài, chi phí tăng lên.

Lãng phí như một căn bệnh, có thể nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng - Ảnh 2.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh Hoàng Thị Thanh Thuý phát biểu. Ảnh: TTXVN

Theo đại biểu, báo cáo cũng chưa đi sâu phân tích lãng phí, làm rõ hiệu quả sử dụng vốn, nguồn lực nhà nước đầu tư trong thời gian qua. Công tác phòng chống lãng phí một số ngành chưa chuyển biến rõ nét. Việc phát hiện, xử lý lãng phí còn chậm, có nơi chưa kiên quyết. Có tình trạng buông lỏng quản lý, quan liêu và tham nhũng là những tác nhân của lãng phí thì chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng, báo cáo chưa chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gây ra lãng phí.

"Nói về lãng phí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại hơn tham ô" - đại biểu Thủy nhấn mạnh.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh chi ra, thời gian qua, tình trạng lãng phí với biểu hiện muôn mặt trong thời gian dài ở nhiều nơi, được nói đến rất nhiều nhưng chuyển biến thì chậm, có biểu hiện phức tạp tăng về chất tính chất và quy mô. Tình trạng lãng phí đất đai, dự án treo hiệu quả đầu tư thấp. Thu hồi tài sản tham nhũng còn chậm. Cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu. Tình trạng chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư ảnh hưởng đến mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

"Tất cả đều là lãng phí, làm thất thoát nguồn lực quốc gia, là nguyên nhân làm suy yếu nguồn lực, kìm hãm sự phát triển của đất nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân. Chúng ta đã rất quyết liệt, nghiêm trị tội tham ô, tham nhũng, nhưng chưa từng xử lý tội lãng phí. Trong khi lãng phí nguy hại hơn như một căn bệnh, thậm chí nguy hại hơn cả tham ô, tham nhũng. Nếu thống kê đầy đủ rất khó để có thể đo đếm hết được" – đại biểu Thủy cho biết.

Về nhiệm vụ và giải pháp, bà Hoàng Thị Thanh Thủy đồng tình với báo cáo đã đề cập. Vấn đề chỉ còn là sự quyết tâm.

Phó Trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Tây Ninh đề nghị cần phải quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hàng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Cần phải phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể các cấp, nhân dân tham gia giám sát hiệu quả. Đồng thời phải kỷ luật kỷ cương, nghiêm minh hơn nữa.

"Chúng ta có tuyên dương, khen thưởng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cũng phải chú trọng trách nhiệm giải trình, xử lý, làm gương để ngăn chặn. Suy cho cùng, phần lớn những bức xúc của người dân trong thời gian qua cũng bắt nguồn từ lãng phí" – đại biểu Hoàng Thị Thanh Thủy phát biểu.

Cụ thể hóa trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí Cụ thể hóa trách nhiệm trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

VTV.vn - Sáng 25/4, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 10 cho ý kiến vào báo cáo tiết kiệm, chống lãng phí dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước