Với mỗi người dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là biểu tượng ngời sáng về đạo đức cách mạng, tấm gương hi sinh, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Cán bộ và công nhân cảng Hải Phòng theo dõi thông báo sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Cán bộ và công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ (Hà Nội) theo dõi thông báo về tình hình sức khỏe của chủ tịch Hồ Chí Minh (1969). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhân dân Thủ đô xúc động theo dõi thông báo đặc biệt đăng trên các báo về việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
53 năm trước, dân tộc Việt Nam đã mất đi người cha già kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đài Tiếng nói Việt Nam là nơi đầu tiên truyền đi bản tin phát thanh tới nhân dân cả nước về thông tin Bác đã đi xa - "Tình hình Hồ Chủ tịch không được ổn định, bệnh của người đang phát triển và có phần trầm trọng".
Sau hơn nửa thế kỷ, nhà báo Hà Phương - Nguyên Trưởng phòng Phát thanh viên, Đài Tiếng nói Việt Nam, không khỏi xúc động khi nhớ lại câu chuyện ngày Bác Hồ qua đời, và về người đồng nghiệp đã đọc những dòng tin tức đặc biệt này, phát thanh viên Minh Đạo.
Nhà báo NSƯT Hà Phương kể lại: "Anh ấy nhận được tin và chỉ còn biết lấy khăn lau nước mắt. Cả phòng ngồi khóc không ai đọc nổi mà chỉ có bác Minh Đạo. Bởi lúc ấy đòi hỏi một người phải có nhiều trải nghiệm, từng trải, rất vững vàng về nghề nhưng phải biết kìm nén cảm xúc cá nhân để không làm tiếng khóc vỡ òa ra khi đọc".
"Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương, Đảng Lao động Việt Nam: Đồng chí Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã từ trần".
Sau khi nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, nhân dân Hà Nội đã đến trước Phủ Chủ tịch và Quảng trường Ba Đình để tưởng nhớ Người. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Bà Bùi Thị Hiệp (83 tuổi, ở Hà Nội) cho biết: "Đang ở trong nhà nghe tin ấy, chúng tôi đổ xô ra ngoài đường để đứng xung quanh cái cột loa phóng thanh để nghe lời thông báo về Bác Hồ mất. Rất nhiều người đã òa lên khóc".
"Khi nghe tin Bác mất, có thể nói là cả nước khóc. Không ai không chảy nước mắt. Một không khí rúng động, đau xót một con người vì nước vì dân" - ông Lê Thế Thọ (81 tuổi, Hà Nội) ngậm ngùi chia sẻ.
Đã 53 năm ngày đau thương ấy đi qua nhưng hình ảnh, lòng kính yêu dành cho Bác vẫn in đậm trong mỗi trái tim, khối óc con người Việt Nam.
Trước lúc đi xa, Bác đã để lại bản Di chúc thiêng liêng là tài sản tinh thần vô giá, là những lời căn dặn và tình cảm thiết tha, là niềm tin sâu sắc gửi lại cho các thế hệ mai sau.
Trong 7 ngày để tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, công nhân mỏ Hà Lầm (Quảng Ninh) trước và sau giờ làm việc hằng ngày luôn dành một phút mặc niệm Người và quyết tâm đẩy mạnh sản xuất để đền đáp công ơn Bác. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đọc điếu văn tại Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 9/9/1969. Ảnh: Tư liệu - TTXVN.
Quang cảnh lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Đình, ngày 9/9/1969. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
Đó là tư tưởng, là đạo đức, là phong cách Hồ Chí Minh. Tấm gương đạo đức rất cao cả, rất vĩ đại nhưng lại rất giản dị, trong sáng mà các thế hệ con cháu Việt Nam tiếp tục noi theo, qua đó, hun đúc thêm niềm tin, đoàn kết một lòng, biến những tình cảm thiêng liêng đối với Bác Hồ kính yêu thành ý chí, thành hành động thiết thực để xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!