Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh

LD-Thứ tư, ngày 19/05/2021 11:52 GMT+7

VTV.vn - 1 người đàn ông đã dành hơn 30 năm qua để sưu tầm, lưu giữ hơn 400 bức tranh, ảnh, bài báo về Bác Hồ để bày tỏ lòng tôn kính với vị Cha già dân tộc.

Hòa trong không khí những ngày tháng 5 lịch sử và nhân dịp kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, phóng viên Báo điện tử VTV News có dịp đến thăm phòng lưu niệm của một người đàn ông tại thôn Đại Phẩm, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội - người đã dành trọn cuộc đời để tìm kiếm sưu tầm, lưu giữ những tư liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Hơn 30 năm qua, gần 400 bức tranh, ảnh và bài báo về Bác Hồ đã được ông cất công sưu tầm để bày tỏ tấm lòng tôn kính với vị Cha già dân tộc.

Cách Hà Nội hơn 20km, có một căn phòng nhỏ với hơn 300 bức ảnh về cuộc đời Bác Hồ được mọi người biết đến với tên gọi "Phòng lưu niệm ảnh Bác Hồ" của lão nông Trần Văn Cao (85 tuổi, tại xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ). Với ông Trần Văn Cao, phòng lưu niệm này có ý nghĩa đặc biệt, bởi đó là nơi ông thể hiện lòng yêu mến và sự tôn kính đối với Bác.

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 1.

Không gian trưng bày ảnh lưu niệm

Căn phòng lưu trữ những hình ảnh, bức tranh, bài báo về Bác là ý tưởng mà ông ấp ủ trong suốt quãng thời gian dài kể từ khi ông may mắn có cơ hội được gặp Bác. Ông Cao cho biết: "Ý định xây dựng phòng lưu niệm đã đau đáu ở trong tôi 30 - 40 năm rồi, từ lúc tôi đi công tác. Ngay từ lúc đầu tôi gặp chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Nguyên và cả quá trình công tác học tập, ít nhiều tôi cũng theo tấm gương của Bác".

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 2.

Bao nhiêu năm qua, ông Trần Văn Cao chưa bao giờ thôi nghĩ về Bác

Bao năm cày cuốc, vất vả lao động nhưng chưa một ngày ông Trần Văn Cao thôi nghĩ về Bác. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông ấy lại dành thời gian tìm kiếm và sưu tầm những hình ảnh, câu chuyện về cuộc đời Hồ Chủ tịch.

Cuối năm 2019, ông Cao quyết định dành công sức, tài chính để chỉnh trang, xây dựng lại toàn bộ không gian tầng 3 nhà ở của mình làm nơi trưng bày, giới thiệu những tư liệu, hình ảnh đã sưu tầm được về Bác. Toàn bộ hơn 300 bức ảnh đã được ông Cao đóng khung kính, treo trang trọng trong căn phòng. Mỗi bức ảnh được sắp xếp theo chặng đường thời gian và mốc sự kiện từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước cho đến những giây phút yên nghỉ cuối đời.

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 3.

Những bức ảnh về cuộc đời Bác Hồ được ông Cao sưu tầm, lưu giữ

Kể từ đó đến nay, cửa nhà ông Cao luôn rộng mở đón các cụ ông cụ bà, các em học sinh, những người khách phương xa đến thăm quan. Mỗi khi có người tới, ông lại say mê kể cho họ nghe về câu chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại thông qua từng tấm ảnh ông chắt chiu, tìm kiếm. Có những khi nói về Bác, ông lại không thể kìm lòng được mà bật khóc…

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 4.

Ông Cao kể cho những vị khách nghe về từng bức ảnh

Cũng chính bởi xuất phát từ lòng kính trọng, tình cảm thiêng liêng sâu sắc đối với Bác Hồ, nên dù đã ở tuổi 85 nhưng hàng ngày ông vẫn miệt mài, cần mẫn tìm kiếm hình ảnh Bác trên mọi trang sách báo và đến nay, ông đã có trong tay một bộ sưu tập phong phú về hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp và những cống hiến hy sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua các thời kỳ lịch sử.

Ông Cao tâm niệm: "Chúng ta đã đánh thắng những kẻ thù mạnh nhất trên thế giới, câu chuyện ấy ngỡ như mơ nhưng lại là sự thật. Tôi may mắn được nghe nhiều câu chuyện về Bác, giờ tôi lưu lại những câu chuyện lịch sử này nhằm tôn vinh và hy vọng những câu chuyện về Bác mãi được lưu giữ, lưu truyền đến các thế hệ về sau, để con cháu ta dù sống trong phồn vinh cũng không quên những hy sinh lớn lao mà cha ông đã đánh đổi".

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 5.

Những tấm hình được ông lưu giữ cẩn thận trong tủ kính

Không chỉ có vậy, những tâm huyết của người nông dân ấy còn được thể hiện qua những nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành được cuốn sử ca về Hồ Chủ tịch và dân tộc Việt Nam anh hùng. Cuốn sử ca gồm 3 phần: phần 1 với hơn 1.456 câu thơ do ông Cao tự sáng tác kể về những năm tháng hoạt động Cách mạng của Bác; phần 2 được ông chuyển sang viết bằng văn xuôi, kể về những năm tháng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc; phần cuối cùng được minh họa bằng những bức ảnh về Bác và Cách mạng Việt Nam.

Người viết sử thi về Bác Hồ qua những tấm ảnh - Ảnh 6.

Ông Trần Văn Cao nắn nót viết từng dòng vào cuốn sử ca

Những gì ông Cao làm là minh chứng sống động về việc hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam, đồng thời là công trình ý nghĩa tại địa phương góp phần giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước