Quân y là lực lượng quan trọng, có nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nhằm khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận, góp phần làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Bám sát các đơn vị trực tiếp chiến đấu trên các chiến hào, trận địa, hay tại các bệnh xá dã chiến, các chiến sĩ quân y đã không quản ngại hiểm nguy, kịp thời cứu chữa thương bệnh binh trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Không ở đâu xa, ngay trong chính những hầm hào, dưới làn mưa bom bão đạn, những người lính quân y đã bất chấp mọi hiểm nguy, khắc phục mọi khó khăn thiếu thốn về ánh sáng, thuốc men, biến những căn hầm chật hẹp thành những phòng mổ những khu điều trị dã chiến, kịp thời cứu chữa cho hàng chục nghìn thương, bệnh binh.
"Khi bắt đầu nổ súng, thương binh về ùn ùn rất nhiều. Hồi đó, dịch truyền để cấp cứu sốc chấn thương không có. Tôi huấn luyện cho dân công và y tá cách cấp cứu kỳ đầu chống sốc vết thương, không để thương binh tắc thở", PGS.TS. Phạm Văn Phúc, nguyên Đội trưởng Đội Phẫu thuật, Đại đoàn 316, kể lại.
Quân y là lực lượng quan trọng, có nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Đêm là không có ánh sáng, phải mổ bằng đèn măng xông. Tinh thần của mỗi y, bác sĩ rất tập trung cứu chữa bệnh nhân, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh", Trung tá Đỗ Xuân Huyên, nguyên y tá Đội điều trị số 1, chia sẻ.
Nơi điều trị cũng là chiến trường. Tại Điện Biên Phủ, các y, bác sĩ cũng là những người lính chiến đấu.
"Bản thân tôi, y tá đại đội, lúc nào cũng có một túi thuốc, nhưng còn dắt thêm một khẩu súng, vừa cứu chữa thương binh, vừa chiến đấu...", Trung tướng Nguyễn Ngọc Thảo, nguyên Cục trưởng Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, cho hay.
Suốt 56 ngày đêm cùng "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt", lực lượng quân y đã cứu chữa cho khoảng 14.500 thương bệnh binh, không những vậy còn khắc phục thiếu thốn, tìm cách chữa trị cho gần 1.500 thương binh Pháp bị bắt làm tù binh.
"Bây giờ nghĩ lại thật kỳ diệu. Chỉ có một nhóm người như thế mà điều trị được số lượng thương binh rất nhiều. Thấy cờ trắng dâng lên tôi rất mừng, mừng không phải vì hết vất vả. Mừng vì đã tiêu diệt được một tập đoàn cứ điểm rất lớn, không còn thương binh nữa, không còn đau khổ nữa", PGS.TS. Phạm Văn Phúc bày tỏ, "sắp đến kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì niềm vui của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Buồn vì thương tiếc các anh hùng liệt sĩ".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!