Những ngày này, trên cả nước có nhiều hoạt động ý nghĩa để kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Đây là cơ hội để người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ôn lại lịch sử của cha ông, tìm hiểu, khám phá những câu chuyện về chiến dịch hào hùng này.
Cách đây 70 năm, để tiếp tế cho cứ điểm Điện Biên Phủ, quân Pháp đã lập cầu hàng không ngay từ những ngày đầu tiên và cả trong những giờ phút cuối cùng trước khi chiến dịch kết thúc. Trong bối cảnh đó, những người lính Bộ đội Cụ Hồ đã mưu trí, sáng tạo ra phương thức tác chiến dù ở chiến trường Điện Biên Phủ.
Lần đầu tiên, lính dù Pháp được thả xuống Điện Biên phủ là ngày 20/11/1953. Khi đó, 6 tiểu đoàn lính dù Âu - Phi tinh nhuệ đã nhảy dù xuống Mường Thanh nhằm chặn đứng cuộc hành quân Tây Bắc - Trung Lào của bộ đội ta. Pháp đã dồn sức thả hàng nghìn chiếc dù để xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 70 năm đã trôi qua, cách đánh dù, cắt cầu chi viện hàng không đầy sáng tạo vẫn là phần ký ức sống động của những người lính Điện Biên năm xưa.
70 năm đã trôi qua, cách đánh dù, cắt cầu chi viện hàng không đầy sáng tạo vẫn là phần ký ức sống động của những người lính Điện Biên năm xưa.
Sau khi Pháp mất các sân bay, mọi tiếp tế, chi viện đều trông chờ vào dù. Ước tính mỗi ngày, tướng Navarre huy động 2/3 số máy bay ở Đông Dương để thả khoảng hơn 100 tấn hàng xuống Điện Biên Phủ. Để tránh hỏa lực của ta, máy bay địch phải bay cao, nên hệ thống dù mang đạn dược, thuốc men, lương thực của Pháp lại rơi phần nhiều vào trận địa của ta.
"Trong các chiến dịch khác ta chưa có pháo cao xạ, nên nó làm chủ bầu trời, nhưng trong chiến dịch Điện Biên Phủ thì ta có pháo cao xạ 37 ly, nên bảo vệ được không phận", Đại tá Nguyễn Hữu Tài, nguyên Phó Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, cho hay.
Những ngày cuối cùng của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Pháp tranh thủ đêm ngày thả dù trắng bầu trời lòng chảo và trong một chiếc dù ngày đó đã mang theo cả quân hàm cấp tướng của Đờ Cát được Pháp gửi tới chiến trường. Tới lúc bại trận, những tấm vải dù ấy lại được quân Pháp dùng làm cờ đầu hàng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!