Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định nhóm vấn đề và người trả lời chất vấn
Theo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Theo đó, Quốc hội sẽ dành thời gian 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn.
Về vấn đề chất vấn ở kỳ họp này, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong buổi họp báo chiều 19/10, đến thời điểm hiện nay, trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi cho 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và có tổng hợp bước đầu để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, việc quyết định nhóm vấn đề chất vấn và người chất vấn thuộc thẩm quyền của Quốc hội và tất cả các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại buổi họp báo
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, hiện có 59 vấn đề mà Quốc hội xem xét, dự kiến trước khi kết thúc họp trực tuyến đợt 1, ngày 27-28/10 sẽ gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội về nội dung này, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp và quyết định nhóm vấn đề nào được đưa ra chất vấn, Bộ trưởng nào trả lời chất vấn.
"Theo quy định của pháp luật, các tiêu chí để lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn là những vấn đề bức xúc nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm. Không chất vấn những vấn đề đã có trong Nghị quyết về chất vấn và Nghị quyết về giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm chất vấn và phải phù hợp với tổng thời gian tổ chức phiên họp chất vấn", ông Bùi Văn Cường nhấn mạnh.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, đến thời điểm hiện nay chưa có chủ đề cụ thể và ai sẽ trả lời chất vấn vì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Kỳ họp thứ 2 không dài nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng
Trả lời câu hỏi của các phóng viên băn khoăn về việc Kỳ họp này có ngắn quá để đảm bảo chất lượng hay không, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã có chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có rất nhiều Đề án đổi mới như đổi mới nội quy kỳ họp, đổi mới quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có các chuyên đề xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Thời gian gần đây, Quốc hội đã có đổi mới rất mạnh mẽ không phải chỉ có 2 kỳ họp Quốc hội, mỗi tháng 1 phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà liên tục tổ chức các hội nghị chuyên đề, tham vấn ý kiến các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các đối tượng thụ hưởng chính sách mà Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành.
Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, thông thường các kỳ họp cuối năm trước đây kéo dài 25-27 ngày, các vấn đề kinh tế - xã hội 5 năm đều thông qua tại Kỳ họp thứ hai nhưng đợt này và một số nội dung quan trọng đã thông qua tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV để kịp thời thể chế hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, mặc dù các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, do đó Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì nhiều hội nghị để đóng góp ý kiến để trình ra Quốc hội với chất lượng tốt hơn, đạt sự đồng thuận cao, do vậy khi trình ra Quốc hội thì có ít ý kiến khác nhau, chủ yếu bàn về các vấn đề lớn, kỹ thuật văn bản đã được chuẩn bị kỹ.
Do vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 2 này tuy không dài nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tháng 12 tới tiếp tục tổ chức họp chuyên đề để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, xem xét kỹ lưỡng, chuẩn bị từ sớm từ xa, qua đó nâng cao chất lượng tốt hơn, có tổ tư vấn để thực hiện công tác lập pháp, giám sát tối cao các vấn đề quan trọng của đất nước.
Chưa đủ nguồn lực so với yêu cầu để thực hiện cải cách tiền lương
Về việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh đây là vấn đề quan trọng, tác động đến đời sống của cán bộ công chức, viên chức. Theo Nghị quyết số 27 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII có sự chuẩn bị, tuy nhiên do thời gian vừa qua dịch COVID-19 đã tác động đến kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, ngân sách phải chi nhiều cho công tác phòng, chống dịch từ việc mua kit xét nghiệm, vaccine…
Ông Bùi Văn Cường cho rằng, việc tăng lương theo lộ trình là cần thiết, song do bối cảnh hiện nay nên thiệt hại kinh tế, nguồn lực cho đầu tư phát triển, tăng trường, an sinh xã hội cho người dân cần hơn. Cán bộ, công chức, viên chức cũng sẵn sàng đồng thuận theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII khi quyết định lùi thời hạn cải cách tiền lương đến thời điểm thích hợp.
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi họp báo
Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cũng cho biết thêm, Ban Chấp hành Trung ương đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp để tạo nguồn lực cho cải cách tiền lương. Tuy nhiên, nếu so với yêu cầu cũng chưa đủ nguồn lực. Bên cạnh đó, đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế, bộ máy cũng phải song hành, nhưng chúng ta chưa thực hiện đạt như mong muốn. Trong khi đó, nguồn lực quốc gia đang dành cho phòng chống COVID-19.
“Mặc dù chúng ta đã chuẩn bị rất kỹ các giải pháp để cải cách tiền lương, đảm bảo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương như tiết kiệm chi thường xuyên, quyết liệt thu hồi tài sản… nhưng so với yêu cầu vẫn chưa có nguồn lực” - ông Đặng Thuần Phong phát biểu.
Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/10/2021, bế mạc vào ngày 13/11/2021 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2 được tổ chức theo hình thức kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung.
Ngoài ra, dự phòng phương án nếu dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong cả nước thì sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí Đợt 2 liền mạch với Đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung thời gian cho công tác phòng, chống dịch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!