Đề xuất giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội

Theo TTXVN-Thứ sáu, ngày 15/10/2021 16:15 GMT+7

VTV.vn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải được thảo luận kỹ lưỡng.

Ngày 15/10, tại Nhà Quốc hội, Tiểu ban số 2 về "Xây dựng chuyên đề đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam" đã họp phiên thứ 2 của Tiểu ban. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Trưởng Tiểu ban số 2 chủ trì phiên họp.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, vấn đề đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải được thảo luận kỹ lưỡng để từ đó đề xuất với Đảng đoàn Quốc hội và Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045" theo tinh thần "những vấn đề đã rõ, chắc chắc thì mới đề xuất, đã đề xuất là phải có căn cứ, lý lẽ thuyết phục, chặt chẽ".

Gợi mở một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị các thành viên Tiểu ban thảo luận về việc đổi mới cách thức tổ chức kỳ họp Quốc hội, hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và hoạt động giám sát; phương hướng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội; việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động của Quốc hội, xây dựng và vận hành Quốc hội điện tử...

Đề xuất giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị các thành viên Tiểu ban đề xuất các giải pháp liên quan đến cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm sự phân công, phối hợp, kiểm tra, giám sát thực thi quyền lực Nhà nước hiệu quả giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp; đồng thời phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực cho biết, ngay sau phiên họp này, Thường trực Tiểu ban sẽ tiếp tục tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan Đảng, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, chuyên gia; xin ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo chuyên đề.

Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến, đề xuất giải pháp nhằm đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, thời gian hoàn thiện chuyên đề để báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương rất gấp, do đó, các thành viên Tiểu ban, Tổ biên tập cần căn cứ nhiệm vụ đã được phân công và tiến độ triển khai đề án theo kế hoạch để bảo đảm chất lượng cao nhất. Ban Công tác đại biểu tiếp tục chủ trì, tham mưu việc tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Tiểu ban và báo cáo lãnh đạo Tiểu ban để chỉ đạo hoàn thiện chuyên đề.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước