Nhiều quy định trong dự luật này được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm, trong đó hợp nhất ban các ban chỉ đạo về phòng thủ dân và phòng chống thiên tai hay đề xuất thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự.
Mỗi năm, trung bình Việt Nam đón khoảng 10 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, chưa kể các hình thức thiên tai khác như lũ lụt, hạn hán. Tuy nhiên, để ứng phó các loại hình thiên tai này, hiện có tới 3 cơ quan cùng được giao thực hiện nhiệm vụ là Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Do đó, dự thảo Luật Phòng thủ dân sự đề xuất hợp nhất 3 cơ quan này và Bộ Quốc phòng sẽ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo.
Các sự cố, thảm họa thường xảy ra bất ngờ, khó dự đoán, khó dự phòng ngân sách khắc phục. Do đó, việc có sẵn nguồn lực để chủ động ứng phó sẽ tận dụng được "thời điểm vàng" để giảm thiểu thiệt hại. Vì vậy, phương án lập quỹ phòng thủ dân sự, một quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách theo dự thảo Luật Phòng thủ dân sự nhận được nhiều ý kiến đồng tình.
Những trận bão, nắng hạn lịch sử liên tiếp được xác lập. Dịch bệnh nguy hiểm cướp đi mạng sống của hàng chục ngàn người. Chính vì vậy, Luật Phòng thủ dân sự nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo khung pháp lý vững chắc, đảm bảo cho việc chủ động ứng phó với các hiểm họa đe dọa an ninh quốc gia trong mọi tình huống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!