Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Công an, Bộ Y tế đã tổ chức tọa đàm cung cấp những thông tin quan trọng về công tác chuẩn bị cho ngày hội toàn dân.
Dịch COVID-19 khiến các đối tượng phản động chuyển từ phương thức chống phá truyền thống như đưa người về, câu móc trong ngoài sang triệt để lợi dụng không gian mạng. Theo đại diện Bộ Công an, mỗi khi có sự kiện trọng đại của đất nước, mà hiện là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng là dịp các thế lực thù địch tìm nhiều cách chống phá.
Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết: "Bộ Công an đã tổ chức đấu tranh, thực hiện đối sách đối với 124 đối tượng phản động, chống phá, phá hoại bầu cử; quản lý giám sát chặt chẽ 1.251 đối tượng phản động, chống đối, đấu tranh; phá rã 4 nhóm phản động, ngăn chặn 2 chiến dịch tuyên truyền chống phá cuộc bầu cử của bọn phản động lưu vong. Cục An ninh mạng đã đấu tranh, vô hiệu hóa hơn 200 mục tiêu trên không gian mạng, gỡ bỏ 658 video clip có nội dung xuyên tạc cuộc bầu cử".
An toàn dịch tễ cũng là điều người dân quan tâm trong ngày bầu cử. Đại diện Bộ Y tế cho biết, đã triển khai 4 đợt tập huấn với 700 đầu cầu trên cả nước.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các địa phương đều có các kịch bản tổ chức phòng ngừa trong điều kiện dịch bệnh ở tổ bầu cử nơi có dịch, nơi chưa có dịch và đặc biệt lưu ý các tổ cần phải tổ chức hòm phiếu phụ nơi cách ly, nơi có bệnh nhân F1, F2, đặc biệt nữa là đối với bệnh nhân F0. Đến nay có thể khẳng định các điểm bầu cử cơ bản chuẩn bị rất tốt về các điều kiện, nhân lực, nhất là quy trình phòng, chống COVID-19.
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bổ sung thêm, trong trường hợp phát hiện thành viên tổ bầu cử có dấu hiệu bị nhiễm COVID-19 phải thay thế kịp thời nên các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương án nhân sự để đảm bảo an toàn.
Tất cả các địa phương, nhất là tổ bầu cử, UBND cấp xã lên phương án, kế hoạch để chủ động điều tiết, phân bổ thời gian hợp lý cho công tác bỏ phiếu, ngày bỏ phiếu theo cụm dân cư, tổ dân phố, thôn, làng, cụm gia đình, tránh việc cử tri dồn đến bỏ phiếu tập trung ở một thời điểm quá đông.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhận định, các địa phương đều thể hiện sự quyết tâm rất cao. Mặc dù trong quy định của Luật Bầu cử có cho phép hoãn ngày bầu cử nhưng tất cả các địa phương đều đồng lòng là đã sẵn sàng, không đề nghị hoãn bầu cử ở bất kỳ đơn vị nào.
Ngày 23/5, hơn 69 triệu cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền bầu cử của mình. Các cử tri đến khu vực bỏ phiếu vẫn phải tuân thủ giãn cách 2m và thực hiện các yêu cầu phòng dịch. Đến giờ phút này, tất cả các địa phương đều đã sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, đảm bảo ngày bầu cử diễn ra thành công và an toàn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!