"Cần chuyển từ nhà nước chủ đạo sang nhân dân chủ động chống COVID-19"

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 08/11/2021 13:37 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắng phát biểu. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - ĐBQH Hoàng Đức Thắng đề nghị Chính phủ cần có chính sách mới để phát huy vai trò chủ động và huy động sức mạnh nhân dân trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Phải trang bị cho người dân để trở thành chiến sĩ biết chiến đấu với dịch bệnh

Tại phiên thảo luận sáng 8/11, các đại biểu Quốc hội đã nêu lên một số bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc chiến chống COVID-19, trong đó có vấn đề phát huy sức mạnh nhân dân và cải thiện hệ thống y tế cơ sở.

Ông Hoàng Đức Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, nước ta đã đi qua chặng đường đầy cam go thử thách trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch COVID-19 với những chiến thắng và cả những hy sinh to lớn cũng như thách thức đang hiện hữu. Bài học dân là gốc, sức mạnh ở nơi nhân dân chưa bao giờ xưa cũ và vô cùng sâu sắc trong cuộc chiến với đại dịch.

"Xã hội hóa công tác phòng chống dịch là biện pháp quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân cho cuộc chiến và phải được thực hiện một cách có tổ chức được chỉ huy chặt chẽ trong một hành lang pháp lý, cơ chế huy động, quản lý, kiểm soát rõ ràng, minh bạch và cần được tôn vinh xứng đáng. Đồng thời phòng ngừa ngăn chặn những tiêu cực lùm xùm như trong một số hoạt động thiện nguyện vừa qua" – đại biểu Thắng nói.

Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát điều chỉnh bổ sung kịp thời nhóm chính sách với các quy định mang tính quy phạm pháp luật. Hướng dẫn thống nhất và cần sớm luật hóa các hoạt động xã hội hóa cứu trợ xã hội.

Người dân cần được tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ các biện pháp hết sức cụ thể có tính chuyên môn. Được cung cấp các điều kiện cần thiết để thực hiện và sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý.

Nhờ đó, người dân mới có thể tham gia thực hiện tốt những việc mà hiện nay nhà nước phải đảm nhận như: cách ly chữa trị tại gia đình, nơi có đủ điều kiện để cách ly, giảm áp lực lớn cho chính quyền các cấp phải tổ chức các khu cách ly tập trung quá tải ở các khu điều trị dã chiến.

"Nhất thiết phải có cơ chế, chính sách linh hoạt, tập trung đầu tư, nâng cao năng lực hoạt động cho y tế cơ sở, cả về đội ngũ lẫn phương tiện cơ sở vật chất, đủ sức quản lý. Kiểm soát, hướng dẫn, giải quyết các vấn đề có tính chuyên môn ngay tại cơ sở" – ông Thắng cho biết.

Ngoài ra, cần xem việc đóng góp cho công tác phòng chống dịch là quyền lợi và nghĩa vụ thường xuyên của mỗi tổ chức, cá nhân.

"Khi các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn, nhà nghỉ phải đóng cửa, lao động không có việc làm, thu nhập thì nhà nước phải huy động cả doanh trại quân đội, trường học, nhà thi đấu thể thao xây dựng các khu cách ly tập trung dã chiến rất tốn kém. Điều kiện sinh hoạt ở các khu cách ly đó lại vô cùng khó khăn không bảo đảm an toàn. Một bộ phận nhân dân có nhu cầu và điều kiện để sẵn sàng trang trải chi phí dịch vụ để được chọn nơi cách ly chữa bệnh tốt hơn an toàn hơn lại chưa được đáp ứng sao. Một bộ phận người dân có điều kiện lại không có cơ hội để từ chối nhận gói hỗ trợ nhưng sẵn lòng để dành nguồn lực rất có hạn, thậm chí còn góp thêm cho những người nghèo người khó khăn khác. Các cơ sở y tế tư nhân dường như còn đứng ngoài cuộc khi mà đội ngũ y bác sĩ lại quá sức, quá mỏng trong cuộc chiến chống COVID-19. Vậy chúng ta đang thiếu nguồn lực hay còn thiếu cả cơ chế chính sách và giải pháp tạo ra nguồn sức mạnh nội sinh ở nơi nhân dân?" - ông Hoàng Đức Thắng đặt ra câu hỏi.

ĐBQH tỉnh Quảng Trị đề nghị Chính phủ cần tổng rà soát lại tất cả những cơ chế chính sách, đánh giá một cách đầy đủ việc cả được và chưa được để xây dựng và hoàn thiện nhóm chính sách mới về phát huy vai trò chủ động và huy động sức mạnh nhân dân trên một quan điểm: Chuyển từ nhà nước chủ đạo, chủ yếu sang nhân dân chủ động quyết định trong cuộc chiến còn lâu dài chống đại dịch COVID-19.

Nhắc lại phương châm chỉ đạo "chống dịch như chống giặc, mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ", ông Hoàng Đức Thắng cho rằng "phải trang bị cho người dân những gì họ phải biết, hành động ra sao thì mới trở chiến sĩ biết chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh".

"Thực tiễn chống dịch COVID-19 như là một cuộc thử lửa để chúng ta nhìn lại cả những chiến thắng vinh quang và những mất mát hy sinh phải trả bằng giá rất đắt.Sự quyết tâm chuyển hướng tư duy chiến lược và cách tiếp cận mới, cách làm mới Mà ở nơi đó, nhân dân phải được đặt vị trí trung tâm, nhân tố quyết định trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19" - ĐBQH tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh.

Chính sách về y tế cơ sở đang "chắp vá"

Từ điểm cầu TP Hồ Chí Minh, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh, trong đại dịch COVID-19, nước ta đã hy sinh, mất mát quá nhiều với gần 20.000 ca tử vong, chưa kể còn nhiều bệnh nhân không được chăm sóc y tế tốt trong cái giai đoạn COVID-19.

Từ kinh nghiệm thực tế tại TP Hồ Chí Minh, để thực sự sống chung với dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm, giảm được số ca nặng và tử vong, đại biểu Lan cho rằng cần xem lại hệ thống y tế cơ sở.

"Số địa phương thực hiện chỉ tiêu 30% ngân sách cho y tế dự phòng vẫn đếm trên đầu ngón tay. Số 30% đó chưa đáng kể gì so với nhu cầu của người dân. Phải phân bổ như thế nào để thực sự đáp ứng với quy mô dân cư, không chỉ phân chia về địa lý. Theo tôi, cần có chính sách xuyên suốt từ Chính phủ và chỉ đạo cho Bộ Y tế. Giai đoạn dịch bệnh vừa qua, Bộ Y tế rất cực khổ nhưng nếu như không giải quyết được những vấn đề căn cơ, chúng ta tiếp tục bị động không chỉ về tiền mà còn về nhân lực" – ĐBQH đoàn TP Hồ Chí Minh nói.

Cần chuyển từ nhà nước chủ đạo sang nhân dân chủ động chống COVID-19 - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu tại điểm cầu TP Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hội Dược học Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, chính sách về y tế cơ sở đang "chắp vá". Trước đây từ trung tâm y tế của các quận huyện lại chia ra 3 phần: bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và phòng y tế. Việc chia tách này gây khó khăn trong việc điều phối lực lượng. Người phụ trách y tế thực sự ở địa phương chỉ có phòng y tế nhưng lại chỉ làm chức năng quản lý nhà nước.

Về hệ thống điều trị, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan gọi dịch COVID-19 là "phép thử" để chúng ta nhìn lại năng lực điều trị bởi "chỉ một cơn dịch qua thôi là tan tác".

Các bệnh viện chưa được chuẩn bị những cơ sở về mặt pháp lý, kiến thức cần thiết để bảo đảm cung ứng được trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc, đặc biệt là cơ chế tài chính. Việc phân công giữa ngân sách và bảo hiểm chưa rõ ràng nên các bệnh viện rất khó khăn trong việc thanh toán.

"Trong vấn đề xét nghiệm, nếu chúng ta phân công rạch rời để cho bảo hiểm làm cùng với cơ chế đấu thầu chặt chẽ thì sẽ không có tình trạng loạn giá xét nghiệm xảy ra" – bà Lan nói.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế tư nhân chưa được huy động kịp thời, chưa có cơ chế để tham gia vào phòng chống dịch hay vaccine. Ngoài ra, cần tạo điều kiện cho các nhân viên y tế, cán bộ quản lý có môi trường để phát triển về y đức, tránh phải sử dụng các biện pháp hành chính và các thủ tục tố tụng hình sự.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước