Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều cơ sở y tế đang trở thành con nợ

Thuỳ An-Thứ năm, ngày 27/10/2022 17:15 GMT+7

VTV.vn - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan điều này xuất phát từ việc nợ đọng, thanh toán bảo hiểm y tế.

Ngành Y tế đang khó khăn hơn bao giờ hết

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ ý kiến các ĐBQH nêu tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, từ các ý kiến của các ĐBQH và của cử tri cả nước thì có thể khẳng định, thời điểm này ngành Y tế gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Rất nhiều các lĩnh vực của ngành cũng đã bộc lộ những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều cơ sở y tế đang trở thành con nợ - Ảnh 1.

Chiều 27/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ ý kiến các ĐBQH

Liên quan đến vấn đề nợ đọng, thanh toán bảo hiểm y tế, bà Đào Hồng Lan cho biết là do những vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế và Nghị định 146 có những quy định chưa thống nhất với nhau. Chính vì vậy, trong quá trình triển khai thực hiện liên quan đến việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng và mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế theo phương thức giá dịch vụ y tế thì hiện nay đang có vướng mắc.

Vướng mắc này liên quan đến việc áp dụng tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Qua thực tiễn rất nhiều năm gần đây, các bệnh viện, các cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng được theo yêu cầu.

"Chính vì những vướng mắc như vậy, báo cáo với Quốc hội, nhiều cơ sở y tế thực sự lại trở thành con nợ", bà Lan nhấn mạnh.

Do các chi phí khám, chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán, chính vì vậy trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ vô cùng khó khăn. Theo bà Lan đây cũng là một cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mua sắm, đấu thầu khó khăn bởi vì đang nợ các nhà thầu.

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146, hiện nay Nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định.

Bộ trưởng cho biết trước khi Nghị định được ban hành Bộ Y tế đã trình Chính phủ Nghị quyết về đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán trong năm 2021. Hiện nay, Nghị quyết cũng đã trình lên Chính phủ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường công tác kiểm soát chi phí khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế để đảm bảo an toàn của quỹ.

Cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc năm 2022

Làm rõ vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Y tế phân tích có 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời các sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.

Với việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế vừa qua, mặc dù do ảnh hưởng của COVID-19 và một số lý do khác song theo Bà Lan, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến 31/12.

"Do đó cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch", Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Bộ trưởng Đào Hồng Lan: Nhiều cơ sở y tế đang trở thành con nợ - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc năm 2022

Song bà Lan cũng thừa nhận dù nguồn cung ứng đảm bảo, triển khai thực tiễn vướng mắc liên quan đấu thầu khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ trên từng lĩnh vực

"Trong quá trình triển khai, Bộ đã rà soát nguyên nhân của vấn đề này, nội dung nào do cơ chế chính sách, nội dung nào do tổ chức thực hiện để có giải pháp tham mưu cho phù hợp. Bộ cũng đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu", bà Lan thông tin.

Về tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, theo bà Lan, không chỉ Việt Nam mà nhiều nước xảy ra tình trạng chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực tư khu vực công sang khu vực tư nhân. Qua đánh giá của WHO, y tế toàn cầu dự báo thiếu hụt khoảng 15 triệu nhân lực vào năm 2022.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết bên cạnh các chính sách hỗ trợ nhân viên y tế, Bộ đã trình sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ mức phụ cấp đối với nhân viên y tế, cở sở y tế dự phòng. Bên cạnh đó là các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giúp cho vấn đề tăng nhân lực y tế.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước