Bộ trưởng Bộ KHCN: “Quy trình xét duyệt hiện nay rất chặt chẽ”

VTV News-Thứ bảy, ngày 13/06/2015 10:54 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân trả lời chất vấn

VTV.vn - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã khẳng định quy trình xét duyệt đề tài, dự án khoa học công nghệ hiện nay rất chặt chẽ.

Trong phiên trả lời chất vấn ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân đã nhận được những câu hỏi khó của các đại biểu với nội dung tập trung vào những bất cập trong quản lý nhà nước về khoa học công nghệ hiện nay.

Trước thắc mắc của đại biểu về việc khâu xét duyệt chưa loại bỏ được những đề tài không mang tính ứng dụng, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định quy trình xét duyệt hiện nay rất chặt chẽ với 8 Thông tư hướng dẫn quy trình, thủ tục để xây dựng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.

Theo đó, quy trình và thủ tục xét duyệt gồm 5 bước:

- Đề xuất: Mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội có thể đề xuất bất kỳ vấn đề gì. Trong khi đó, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố sẽ là cơ quan tổng hợp lại những đề xuất này và xem xét khả năng phù hợp với quy hoạch, chiến lược, nhiệm vụ của bộ, ngành, địa phương mình.

- Tư vấn: Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng khoa học để tư vấn, xác định nhiệm vụ đạt cấp quốc gia cùng với sự cần thiết và địa chỉ ứng dụng của nhiệm vụ.

- Thông báo công khai: Sau đó, Hội đồng sẽ thông báo công khai nhiệm vụ trên cổng thông tin điện tử và các báo để các tổ chức, cá nhân đủ năng lực có thể lập hồ sơ thuyết minh và dự toán.

- Tuyển chọn: Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập Hội đồng tuyển chọn để lựa chọn tổ chức chủ trì xứng đáng nhất.

- Ký hợp đồng: Sau khi chọn lựa tổ chức, cá nhân đủ khả năng thực hiện dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tiến hành ký hợp đồng. Trong quá trình này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ ngành để kiểm tra, đánh giá. Kết thúc quá trình, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội đồng nghiệm thu theo phương thức khách quan.

Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng cho biết cơ sở dữ liệu chuyên gia và các Hội đồng khoa học chỉ bao gồm các nhà khoa học đáp ứng đủ các tiêu chí. Thêm vào đó, Bộ Khoa học và Công nghệ có 1 đơn vị độc lập để cung cấp các cơ sở dữ liệu chuyên gia cho các đơn vị tổ chức thực hiện đề tài, dự án. Do đó, việc thành lập các Hội đồng không phụ thuộc vào 1 cá nhân hay 1 tổ chức mà hoàn toàn mang yếu tố khách quan và ngẫu nhiên để các nhà khoa học đủ trình độ đều có quyền tham gia vào các hội đồng khoa học.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận có một số đề tài “rất nhạy cảm”, khó đánh giá về khoa học - xã hội do địa chỉ ứng dụng khó xác định. Những đề tài này có thể chỉ là các kiến nghị, giải pháp để đóng góp cho một quan điểm trong việc xây dựng cơ chế chính sách.

Về vấn đề xóa bỏ tâm lý ỷ lại trong nghiên cứu khoa học, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết chế tài xử lý các đề tài, dự án không hoàn thành hoặc vi phạm được quy định rất tõ trong các Thông tư và Nghị định của Chính phủ. Theo đó, cơ quan chủ trì vi phạm sẽ không được tham gia thực hiện các đề tài, dự án trong thời gian 2 năm. Trong khi đó, cá nhân vi phạm có thể sẽ bị loại bỏ vĩnh viễn, không được tham gia vào các đề tài, dự án hoặc bị “treo bút” từ 3-5 năm.

Về giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra nhằm quản lý các nhiệm vụ cấp quốc gia. Trường hợp các đề tài, dự án vi phạm hoặc không có khả năng hoàn thành, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cho dừng dự án và thu hồi kinh phí nhà nước đã đầu tư. Những khoản kinh phí đã sử dụng hợp lý sẽ được báo cáo với Bộ Tài chính để xử lý. Kinh phí chưa thu hồi hay sử dụng sai mục đích, không đúng với hợp đồng đều phải thu hồi.

Về thắc mắc về tiêu chí đánh giá trong nghiên cứu khoa học công nghệ, Bộ trưởng Nguyễn Quân giải thích rằng hiệu quả khoa học công nghệ phải được đánh giá thông qua các kết quả đầu ra so sánh với những đầu tư của nhà nước và của xã hội cho khoa học công nghệ. Một trong những tiêu chí đánh giá chính là năng suất yếu tố tổng hợp (TFP). Đây là yếu tố đóng góp vào sự tăng trưởng GDP quốc gia cùng với yếu tố vốn và lao động. Trong những năm gần đây, chỉ số TFP của Việt Nam tăng trưởng tương đối ổn định.

Dự kiến, chỉ số này sẽ đạt tới 39% tương đương với việc khoa học công nghệ sẽ đóng góp 39% trong tăng trưởng GDP. Như vậy, đầu tư khoa học công nghệ đúng hướng, kiểm soát chặt chẽ và có cơ chế đặt hàng sẽ phát huy hiệu quả trong việc đóng góp vào tăng trưởng GDP quốc gia. Do đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư  báo cáo Chính phủ về việc lấy TFP là tiêu chí đánh giá hiệu quả, đóng góp của khoa học công nghệ cho phát triển kinh tế xã hội.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Quân:

Phần 1

 

Phần 2

 

Phần 3

 

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước