Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 06/11/2023 12:42 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

VTV.vn - Trả lời chất vấn của ĐBQH về công tác quy hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết còn 4 quy hoạch địa phương chưa lập xong trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Nguyên nhân chậm trễ trong công tác quy hoạch

Tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 6/11, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) nhấn mạnh, công tác quy hoạch có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay kết quả thực hiện được rất thấp. Ngoài hai quy hoạch lớn là quy hoạch tổng thể quốc gia và quy hoạch đất thì quy hoạch vùng mới đạt được có 1/6: 16/31 quy hoạch ngành và 13/63 quy hoạch tỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho các địa phương trong việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội cũng như các dự án đầu tư công.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân của những chậm trễ và giải pháp cho cái vấn đề này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên)

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong thời gian đầu sau khi có Luật Quy hoạch còn rất nhiều vướng mắc nhưng sau khi ban hành Nghị quyết 61 của Quốc hội, các vướng mắc cơ bản được giải quyết, đến nay, tiến độ đang được triển khai khẩn trương và nhanh.

Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân của việc chậm là do lần đầu tiên chúng ta triển khai Luật Quy hoạch, thay đổi tư duy và phương pháp lập quy hoạch. Chúng ta cũng cần các văn bản, nghị định hướng dẫn luật mới có cơ sở để tiến hành.

Nghị quyết 61 của Quốc hội yêu cầu cơ bản phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, Nghị quyết ban hành ngày 16/6/2022 nên quỹ thời gian còn rất ít và kéo dài sang năm 2023.

Về tiến độ hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, hiện đã có 111 quy hoạch tất cả trong hệ thống quy hoạch quốc gia, từ quốc gia đến cấp tỉnh, đã hoàn thành việc thẩm định, trình thẩm định và phê duyệt tổng số 106/111 quy hoạch. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cơ quan liên quan.

Bộ trưởng chỉ ra 2 vấn đề còn đang tồn đọng. Theo đó, các dự án đã thẩm định xong nhưng lại phải mất thời gian để rà soát, hoàn thiện. Vấn đề thứ hai là quy hoạch về thăm dò và khai thác khoáng sản phóng xạ do Bộ Công Thương đang đề nghị xin không lập vì không có cơ sở dữ liệu về vấn đề này.

"Như vậy, chúng ta còn 4 quy hoạch địa phương còn các quy hoạch khác đã lập xong và chỉ chờ phê duyệt. Trong 4 quy hoạch địa phương có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đây là 2 cực tăng trưởng có vai trò trung tâm, dẫn dẵn nền kinh tế và đóng góp rất lớn trong phát triển đất nước" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và cho biết thêm đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ tổ chức nghe riêng trước khi Hội đồng thẩm định họp.

Còn quy hoạch Bình Dương và Đồng Nai, Bộ trưởng cho biết đang tiến hành đôn đốc và cơ bản hoàn thành trong năm 2023.

Cần chiến lược đột phá như thế nào để phát triển ngành bán dẫn?

Cũng đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (tỉnh Bình Dương) cho biết, nước ta hiện có trữ lượng rất lớn, khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam khai thác, hợp tác, phát triển chip bán dẫn, tham gia chuỗi sản xuất công nghệ chip bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện nước ta chưa có công nghệ khai thác thân thiện với môi trường và công nghệ chế biến sâu về chip bán dẫn mà lại do một số nước giữ độc quyền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, Việt Nam chúng ta cần có chính sách, chiến lược đột phá như thế nào, nhất là về thể chế, chính sách trong thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Có 2 quy hoạch rất khó là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trả lời chất vấn

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Xuân, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết đất hiếm rất cần thiết trong các ngành phát triển công nghệ cao, nhất là công nghệ bán dẫn, cần khai thác hiệu quả, trước hết cần tập trung kêu gọi đầu tư đối với các nước có công nghệ cao như Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ. Ngoài ra, cần có chính sách chế biến sâu để phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam để tham gia vào chuỗi cung ứng, cũng như sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung vào nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực này để khai thác và chế biến và sử dụng cũng như đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng về vấn đề phát triển công nghệ chip bán dẫn, phát biểu giải trình trước Quốc hội trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, ngành công nghiệp bán dẫn là ngành mang trọng trách, sứ mệnh để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đổi mới đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Bộ trưởng cũng cho biết, đã nhận kế hoạch của Thủ tướng và lên kế hoạch triển khai trong lĩnh vực này, với dự đoán hiện nay là 50.000-100.000 nhân lực, trong đó, yêu cầu nhiều trình độ, chuyên môn nhưng ưu tiên cho nhóm nhân lực thiết kế vi mạch, bán dẫn.

Dự kiến trong 2024, tuyển sinh trên 1.000 nhân lực trực tiếp trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn, và các lĩnh vực liên quan sẽ tuyển trên 7.000 học viên, sẽ tăng dần 20-30% hằng năm. Với tập trung cao độ, giải quyết các vướng mắc, đến năm 2030 dự kiến con số có thể đáp ứng được.

“Với một sự tập trung cao độ , giải quyết các vướng mắc thì dự kiến đến năm 2030 con số dự kiến có thể đáp ứng được... Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực công nghệ cao, đòi hỏi cao, mong rằng cần phải có một sự đầu tư cao, nếu không thì không thể tay không bắt chip được” - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định.

Bộ trưởng đề nghị Quốc hội, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư các phòng thực hành để có đủ điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành quan trọng này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước