Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ:

"Chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ"

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 06/11/2023 10:22 GMT+7

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

VTV.vn - Tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các "lời hứa", cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Sáng nay (6/11), Quốc hội đã bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 6.

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là lần đầu trong nhiệm kỳ khóa XV và là lần thứ tư kể từ khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 có hiệu lực, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, về chất vấn đối với các lĩnh vực. Thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các "lời hứa", cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.

Chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp

Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.

"Mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân; những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành. Đồng thời, thông qua hoạt động tái giám sát, sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn việc thực hiện của các cơ quan liên quan đến 10 nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và khóa XV. Phạm vi nội dung rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm, nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch COVID-19.

4 nhóm lĩnh vực được chất vấn gồm:

+ Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp (chất vấn trong khoảng 150 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng.

+ Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành (chất vấn trong khoảng 190 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường.

+ Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp (chất vấn trong khoảng 180 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán.

+ Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội (chất vấn trong khoảng 190 phút): gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.

Về cách thức chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Định Huệ cho biết, Quốc hội sẽ dành thời gian hợp lý để nghe Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước và Tổng Thư ký Quốc hội trình bày tóm tắt báo cáo thực hiện và báo cáo thẩm tra về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn. Sau khi thực hiện chất vấn theo nhóm các lĩnh vực, Thủ tướng Chính phủ sẽ báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề và trực tiếp trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội sẽ phát biểu kết luận phiên chất vấn. Quốc hội sẽ xem xét thông qua Nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp.

"Chất vấn là hình thức giám sát đặc biệt hiệu quả, thể hiện đậm nét tính dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, công khai, minh bạch và là một khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội" – Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn. Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo Khoản 6 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân. Đối với các thành viên Chính phủ, các vị Bộ trưởng, Trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và Nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng Phiên chất vấn và trả lời chất vấn giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ thành công tốt đẹp, thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân cả nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước