Ba điểm mới trọng tâm của bầu cử Quốc hội khoá XV

Theo VGP-Thứ hai, ngày 03/05/2021 13:54 GMT+7

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường.

VTV.vn - Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh ba điểm mới trọng tâm của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026. Xin ông cho biết công tác chuẩn bị đến nay ra sao?

Ông Bùi Văn Cường: Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Chỉ thị số 45-CT/TW, các cơ quan có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn công tác bầu cử. Nội dung văn bản bao quát các vấn đề như thành phần, số lượng, cơ cấu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến các vấn đề như hướng dẫn nghiệp vụ; bảo đảm thông tin tuyên truyền, an ninh trật tự cho cuộc bầu cử.

Tính đến thời điểm hiện tại, công tác bầu cử đã trải qua ba vòng hiệp thương và đã xác định được danh sách chính thức những người đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Sau Hội nghị hiệp thương lần 3, Hội đồng bầu cử quốc gia đã gửi danh sách người ứng cử do Trung ương giới thiệu về địa phương để Ủy ban bầu cử cấp tỉnh niêm yết danh sách người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử.

Để giám sát việc chuẩn bị công tác bầu cử tại các địa phương đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia đã ban hành kế hoạch về việc kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, các đợt giám sát tập trung từ tháng 3 đến trước ngày diễn ra bầu cử (23/5/2021). Nội dung giám sát bám sát vào nội dung tiến trình bầu cử để cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm.

Đến thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia đã tổ chức 14 đoàn giám sát tại 40 địa phương. Dự kiến trong đầu tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ tiến hành giám sát đợt ba với mục tiêu giám sát đủ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và hoàn thành trước ngày 20/5.

Thời gian tới, một số nhiệm vụ trọng tâm công tác bầu cử là triển khai các hoạt động theo kế hoạch, giám sát cuộc bầu cử, xây dựng phương án giải quyết những tình huống có thể phát sinh; phối hợp với các tiểu ban hướng dẫn các địa phương về các vướng mắc cụ thể trong công tác bầu cử cũng như khi cuộc bầu cử được tổ chức; tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng cho các ứng cử viên để xây dựng chương trình hành động khi tiếp xúc cử tri; xác nhận tư cách đại biểu sau khi trúng cử và công tác báo cáo tổng kết công tác bầu cử Quốc hội trình tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV.

Tất cả các nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử đều được Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, thảo luận theo đúng nguyên tắc hoạt động theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số. Tính từ khi bắt đầu triển khai bầu cử đến nay, Hội đồng bầu cử quốc gia đã tiến hành 5 phiên họp toàn thể.

Ba điểm mới trọng tâm của bầu cử Quốc hội khoá XV - Ảnh 1.

Cần luôn đề cao tinh thần phòng chống dịch COVID-19 để bảo đảm cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, hiệu quả.

Theo ông, điểm mới đáng chú ý nhất trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ này là gì?

Ông Bùi Văn Cường: Theo tôi, trong cuộc bầu cử này có 3 điểm mới trọng tâm.

Thứ nhất, công tác triển khai bầu cử được tiến hành từ sớm. Hội đồng bầu cử quốc gia, nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia đã được thành lập và kiện toàn từ sớm. Công tác tham mưu, chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 cũng sớm hơn so với các kỳ bầu cử trước. Tương tự như vậy đối với việc kiện toàn các tiểu ban chuyên môn và bộ máy tham mưu giúp việc của Hội đồng bầu cử quốc gia. Những yếu tố này tạo sự chủ động trong lãnh đạo, chỉ đạo bầu cử, các hoạt động hướng dẫn và bảo đảm các điều kiện là cơ sở cho cuộc bầu cử được kịp thời triển khai.

Thứ hai là những điểm mới trong cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội (được sửa đổi năm 2020), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (được sửa đổi năm 2019) thì những nội dung liên quan đến cơ cấu, thành phần số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân có sự thay đổi so với các nhiệm kỳ trước.

Trước hết là số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách tăng lên ít nhất 40%; số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp giảm đều từ 5 đến 10 đại biểu tùy thuộc vào từng cấp chính quyền và từng loại hình đơn vị hành chính. Tiếp đến là việc xác định độ tuổi người tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân khi áp dụng độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2021) và việc tính tuổi (theo lộ trình) được áp dụng đối với cả đại biểu chuyên trách và không chuyên trách.

Thứ ba, công tác chuẩn bị bầu cử được đặt ra trong bối cảnh tình hình nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn có thể ảnh hưởng đến cuộc bầu cử. Qua hai đợt giám sát (đợt 1, đợt 2), mặc dù các địa phương đã chủ động phòng chống dịch bệnh và lên phương án cho những tình huống phát sinh trường hợp mắc COVID-19 tại địa phương. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề cần được quan tâm và các cấp chính quyền, các tổ chức phụ trách bầu cử từ trung ương đến địa phương cần luôn đề cao tinh thần phòng chống dịch để bảo đảm cuộc bầu cử được diễn ra an toàn, hiệu quả. Bởi vậy, đây là lần đầu tiên, nội dung y tế được lồng ghép với công tác bảo đảm an ninh trật tự để tham mưu, giúp Hội đồng bầu cử quốc gia chỉ đạo, hướng dẫn các vấn đề liên quan đến y tế.

Ba điểm mới trọng tâm của bầu cử Quốc hội khoá XV - Ảnh 2.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Có ý kiến cho rằng, việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ giúp tăng chất lượng hoạt động của Quốc hội. Quan điểm của ông ra sao?

Ông Bùi Văn Cường: Đại biểu Quốc hội là nhân tố cốt lõi để quyết định hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách từ ít nhất 35% đến ít nhất 40% tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội được coi là giải pháp để nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Tuy nhiên, song hành với việc với tăng số lượng thì đồng thời phải tăng chất lượng đại biểu chuyên trách. Chính vì vậy, để bảo đảm nguồn nhân sự đại biểu Quốc hội chuyên trách, công tác quy hoạch đã được Đảng đoàn Quốc hội triển khai định kỳ hằng năm với nguyên tắc "động" và "mở" tạo sự chủ động cho các cơ quan của Quốc hội trong việc lựa chọn nhân sự làm đại biểu Quốc hội chuyên trách khóa XV. Đồng thời, việc lựa chọn nhân sự cũng được tiến hành kỹ lưỡng, chặt trẽ, đảm bảo tiêu chuẩn, đúng quy định.

Để việc tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách thực sự hiệu quả, Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 quy định ngoài những điều kiện, tiêu chuẩn chung của đại biểu Quốc hội thì các đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng có những yêu cầu, tiêu chuẩn riêng về trình độ chuyên môn (từ đại học trở lên); về chức vụ công tác; về độ tuổi, sức khỏe…

Xin ông cho biết những kỳ vọng và nhiệm vụ đặt ra đối với đại biểu Quốc hội, để góp phần hiện thực hóa khát vọng 2045, đưa dất nước trở nên phồn vinh, thịnh vượng?

Ông Bùi Văn Cường: Từ nay đến năm 2045 con số được tính bằng thập kỷ nhưng đối với hoạt động của đại biểu dân cử thì được tính bằng 5 nhiệm kỳ hoạt động. Để thực hiện được những mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước như kỳ vọng nêu trên, yêu cầu đặt ra đối với đại biểu Quốc hội ở từng nhiệm kỳ và phải bắt đầu từ ngay từ nhiệm kỳ hiện tại.

Nhiệm vụ trước hết của mỗi đại biểu Quốc hội là thực hiện chức năng đại diện cho Nhân dân và cử tri tại địa phương bầu ra mình và của cả nước. Nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội là thực hiện đúng, thực hiện tốt trách nhiệm gắn bó mật thiết và giữ mối liên hệ thường xuyên với cử tri, định kỳ tiếp xúc, gặp gỡ cử tri để lắng nghe ý kiến, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, phản ảnh trung thực, kịp thời với Quốc hội. Tiếp nhận, nghiên cứu, phối hợp đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết các kiến nghị của cử tri, khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết. Báo cáo cử tri về hoạt động đại biểu của mình và chịu sự giám sát của cử tri.

Ngoài ra, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên nâng cao năng lực chuyên môn, bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghị trường của mình để cụ thể hoá các chủ trương nghị quyết của Đảng trong việc xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, tham gia cùng với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xây dựng, hoạch định chính sách quốc gia về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và các vấn đề an sinh xã hội cho Nhân dân và cử tri cả nước.

Bài học từ các địa phương phải bầu cử lại Bài học từ các địa phương phải bầu cử lại

VTV.vn - Nhìn lại bài học từ các địa phương này sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm để tổ chức thành công cuộc cuộc bầu cử sắp tới.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước