Đã có không ít cuộc hội thảo khoa học về sự kiện Khởi nghĩa Nam Kỳ vào ngày 23/11/1940 tuy nhiên, trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, việc có thêm các nghiên cứu ở nhiều góc độ mới sẽ là những bổ sung kịp thời và cần thiết để tôn vinh một cách sâu sắc hơn giá trị lịch sử của sự kiện này. Sự kiện Khởi nghĩa Nam Kỳ được xem là bước chuyển quan trọng của cách mạng Việt Nam, đánh dấu khởi đầu của cuộc đấu tranh cách mạng mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc.
Đây chính là mục đích của cuộc Hội thảo "Ý chí quật cường và khát vọng giành độc lập của dân tộc Việt Nam". Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TPHCM đã đến dự hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: TTXVN)
Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 23/11/1940, đây chính là ý chí của Xứ ủy Nam Kỳ để thực hiện một trong số các chủ trương của Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11/1939 - tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước vào mặt trận phản đế.
8 tháng chuẩn bị từ kế hoạch đến quá trình chuẩn bị cũng như nghệ thuật chỉ đạo, để có cuộc khởi nghĩa mang tính chất nhân dân rộng rãi và sâu sắc với 15.000 người có võ trang, diễn ra đồng loạt tại 20/21 tỉnh, thành Nam Bộ nhưng rất có trọng điểm, có quy mô, cường độ lớn, cuộc khởi nghĩa đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng dù không đi đến thắng lợi cuối cùng nhưng để lại nhiều giá trị lịch sử không thể phủ nhận và giá trị ấy còn nguyên vẹn đến tận hôm nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!